Về phương diện lý thuyết, việc phân cấp hệ thống bệnh viện theo mô hình chiều dọc "trung ương - tĩnh - huyện - trạm y tế xã" tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe chặt chẽ, tiếp cận đến mọi người dân, đảm bảo sự sàng lọc bệnh tật trong chăm sóc điều trị, tạo ra sự đầu tư có chọn lọc...mang lại hiệu quả trên cả hai phương diện dự phòng điều trị và kinh tế y tế.
Tuy nhiên trên thực tế, mô hình này đã biểu lộ nhiều bất cập và là nguyên nhân sâu xa của vấn đề quá tải bệnh viện tuyến trên trong một xã hội mà người dân có quyền chọn cho mình một dịch vụ y tế tốt nhất.
Đã từ lâu, trong nhãn quan và đã trở thành trong tiềm thức, người dân xem "bệnh viện HUYỆN" và "trạm y tế XÃ" như là những thương hiệu của những mặt hàng chất lượng thấp, giá rẻ (dù nhiều nơi các cơ sở y tế này đã thay đổi và đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc y tế cho người dân).
Và với quan niệm "sức khỏe quý hơn vàng" thì người dân khó lòng mạo hiểm đặt niềm tin vào các "thương hiệu" đó. Và cũng sẽ vô nghĩa nếu đưa ra những quy định bắt buộc người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở đó, vì ai dám đảm bảo chắc chắn 100% cho sự an toàn về sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân khi họ đến các cơ sở đó hay không?
Trên cơ sở đó, xóa bỏ mô hình trạm y tế xã và tìm kiếm mô hình thay thế nó, thay đổi mô hình và thương bệnh viện huyện, là những giải pháp lâu dài và ổn định cho vấn đề quá tải bệnh viện tuyến trên.
1.Xóa bỏ mô hình trạm y tế xã:
Hiện nay trên toàn quốc, hầu như mỗi xã, mỗi phường đều được đầu tư một trạm y tế xã với tổng chi phí khá lớn cho cả hai vấn đề về cơ sở vật chất và con người.
Tuy nhiên hiệu quả đến đâu theo chức năng nhiệm vụ được ghi trên giấy thì chưa ai rõ, nhưng có một điều chắc chắn là các trạm y tế này thường xuyên vắng vẻ. Lý do thi ai cũng hiểu.
Do mô hình này không còn phù hợp, không được sự tiếp nhận của người dân, chúng ta nên tính đến vấn đề loại bỏ nó, chuyển các cơ sở hạ tầng này sang phục vụ nhu cầu khác như là mô hình nhà trẻ (cái này còn rất thiếu).
Vậy câu hỏi đặt ra là một khi các trạm y tế xã bị xóa bỏ thì ai sẽ đảm trách việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân?
2.Bác sĩ gia đình, mô hình thay thế cho trạm y tế xã:
Mô hình bác sĩ gia đình đã hình thành, phát triển và tồn tại khá lâu trên thế giới. Đây là nguồn bác sĩ được đào tạo theo hướng chăm sóc sức khỏe ban đầu và được phân bổ đều khắp về các địa phương.
Họ sẽ gắn bó gần gũi với người dân, nắm bắt chặt chẽ và lâu dài về tình hình bệnh tật của người dân, dự phòng, chăm sóc và điều trị ban đầu, giới thiệu và thuyên chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa phù hợp...
Bên cạnh đó, các bác sĩ gia đình này cũng phối hợp với bộ y tế tham gia trong các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng, phòng chống dịch (công việc mà các trạm y tế đang làm).
Vấn đề khác biệt ở đây là các bác sĩ gia đình như là một phòng mạch tư, tự nuôi lấy họ thông qua chi trả của bệnh nhân qua trung gian chi trả của bảo hiểm, và như thế thì hiệu quả công việc và "thương hiệu" của họ sẽ quyết định sự tồn tại của họ (chứ không phải như nhân viên trạm y tế xã được nhà nước chi trả lương, đây là một yếu tố tạo sự ì ạch trong công việc).
3.Thay đổi mô hình các bệnh viện huyện:
Nhằm thay đổi cái thương hiệu "HUYỆN" của các bệnh viện này, trước hết cần xóa chữ "HUYỆN" trong cái tên của các bệnh viện này.
Như đã đề cập ở trên, sự tồn tại của chữ "HUYỆN" như muốn báo cho bệnh nhân biết đây chì là một cơ sở y tế cấp thấp mà thôi.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng là phải thay đổi mô hình hoạt động của nó để thay đổi thực chất về chất lượng phục vụ. Các hình thức chuyển đổi có thể là: Làm vệ tinh cho các bệnh viện lớn (cách thức này đã được tiến hành rải rác ở một số thành phố như Đà Nẵng, Huế...), đầu tư theo hướng chuyên khoa, tư nhân hóa, hoặc đầu tư mạnh về con người và trang thiết bị...
Với những thay đổi như trên, bệnh nhân sẽ tìm đến các bác sĩ gia đình nhiều hơn, được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn. Việc quyết định thuyên chuyển lên tuyến trên và bệnh viện thuyên chuyển sẽ được quyết định chủ yếu bới các bác sỹ gia đình.
Các bệnh viện huyện hiện tại sẽ thu hút được nhiều bệnh nhân hơn. Hạn chế một cách hiệu quả và chủ động việc bệnh nhân tự ý đến các bệnh viện tuyến trên. Đó là những giải pháp lâu dài và ổn định cho vấn đề quá tải bệnh viên tuyến trên như hiện nay.
Bs. Tô Viết Thuấn