Mở cửa sáng nay, vàng SJC được mua vào ở mức 17,75 triệu đồng, bán ra 17,87 triệu đồng mỗi lượng. Nhưng đến 9h30 mặt giá mua vào - bán ra hạ xuống còn 17,73 - 17,83 triệu đồng.
Tại các cửa hàng kinh doanh vàng khu vực chợ Phú Nhuận (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP HCM), vàng miếng SJC được niêm yết mức 17,778-17,8 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, với giá niêm yết tại các tiệm khu vực chợ Tân Định, chênh lệch bán ra, mua vào 120.000 đồng một lượng.
Trong khi đó, giá bán ra đồng ngoại tệ này tại các ngân hàng lại tiếp tục hạ nhiệt. Các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, Eximbank, Á Châu sáng nay đồng loạt áp dụng mức giá bán 17.486 đồng một đôla, tại Sacombank là 17.485 đồng. Ngày 30/12, tùy nơi, giá bán đồng ngoại tệ này được tính từ 17.489 đến 17.494 đồng một đôla. Giá USD trên thị trường tự do TP HCM sáng nay giao dịch ở mức 17.450-17.510 đồng một đôla (mua vào/bán ra). Đầu giờ chiều hôm qua, giá USD chợ đen đột ngột tăng thêm khoảng 70 đồng mỗi đôla so với giá giao dịch trong buổi sáng. |
Theo một chủ tiệm vàng trên đường Phan Đình Phùng, tùy từng thời điểm trong ngày, khi có nhiều khách hàng cần mua vào, để cân đối nguồn hàng, tiệm sẽ điều chỉnh tăng giá mua của khách lên. Vì vậy, giá niêm yết trong ngày cũng phải thay đổi liên tục.
Vàng miếng Phượng Hoàng PNJ - DongA Bank của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sau 9h30 sáng nay được điều chỉnh giảm 10.000 đồng mỗi lượng so với giá niêm yết trước đó, giao dịch ở mức 17,73-17,82 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra).
Trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn thuộc Ngân hàng Á Châu (ACB), giá khớp lệnh tại thời điểm 9h46 ở mức 18,26 triệu đồng một lượng. Giao dịch của nhà đầu tư trên sàn không mấy sôi động do giá vàng gần như đứng yên trong phiên sáng nay với mức tăng, giảm nhiều nhất chỉ 57.000 đồng mỗi lượng. Đến gần 10h, tổng khối lượng giao dịch trên sàn ACB chỉ đạt khoảng 20.000 lượng, tương đương 360 tỷ đồng. Nhiều người bán ra do nhu cầu tiền mặt cuối năm và hoàn tất chốt giao dịch cho nghỉ lễ Tết.
Vào lúc 9h30 sáng nay theo giờ Hà Nội, vàng giao ngay trên bảng Kitco.com giao dịch ở mức 868,1 USD, giảm trên 12 USD so với chốt phiên liền trước tại New York. Đồng đôla có phiên lên điểm so với đồng euro đã cản đường đi của giá kim loại quý. Hiện mỗi euro đổi được 1,40 USD tại Mỹ, so với 1,41 USD trước đó.
Năm 2008 chứng kiến những phiên tăng mạnh mẽ của các kênh hàng hoá như vàng và dầu. Khi cao nhất giá dầu chạm đỉnh 147,27 USD vào 11/7. Vàng và dầu thường song hành với nhau và đi ngược chiều với giá đôla, nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính dữ dội hơn, nhấn chìm nhiều quốc gia trong bóng đen suy thoái, nhu cầu nhiên liệu xuống dốc, giá dầu lại không đồng hành cùng giá vàng vào những tháng cuối năm. Trong khi dầu chỉ còn 39 USD một thùng vào cuối tháng 12, vàng vẫn mấp mé mốc 900 USD mỗi ounce.
Thị trường VN chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những tác động từ thế giới. Khi cao nhất, giá vàng chạm đỉnh 19,7 triệu đồng hồi tháng 3. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2008, khi Nhà nước tạm ngưng cấp phép cho nhập khẩu vàng để kiềm chế nhập siêu, cùng yếu tố cung - cầu tác động khiến thị trường trong nước có những phiên lạc nhịp so với thế giới. Khoảng vênh giữa giá trong nước và quốc tế phổ biến 1 - 1,8 triệu đồng mỗi lượng.
Gần cuối năm, khoảng cách này có xu hướng thu hẹp lại. Giá trên sàn bám khá sát mức biến động trên thế giới, trong khi vàng vật chất lại liên tục mất giá, và không theo kịp giá trên sàn. Điều này được nhận định do nhu cầu mua vàng mặt trong dân đã yếu đi nhiều. Theo đại diện một ngân hàng thương mại, khi giá vàng chạm đáy 16,4 triệu đồng hồi tháng 11, người dân không còn đổ xô đi mua vàng như hồi tháng 8.
Theo ông Jon Nadler, chuyên gia phân tích tại Kitco Bullion Dealers Montreal, giá vàng trong năm 2009 sẽ dao động trong khoảng 630-980 USD mỗi ounce, trung bình khoảng 810 USD mỗi ounce. Dự báo nửa đầu năm sau, khi gói kích thích kinh tế trị giá nhiều trăm tỷ USD của Tổng thống mới đắc cử Mỹ - Barack Obama được tung ra, cùng hàng loạt các biện pháp kích cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ là đòn bẩy cho vàng đắt hơn, do các đồng tiền mạnh mất giá và nguy cơ lạm phát trở lại.
Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng, sức mua của người dân giảm trong điều kiện kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư khác thiếu thanh khoản, vàng sẽ chịu áp lực bán ra. Chính vì thế, giá kim loại quý sẽ bị “ghìm cương”, khó lòng chinh phục đỉnh 1.000 USD như đầu năm 2008.
Phương Trang - Tần Vy