Chị Lan, sống gần chợ Hôm - Đức Viên, Hà Nội, thở dài: "Cầm 100.000 đồng ra chợ, không mua được gì đáng kể, vì mỗi hôm mỗi giá".
Hiện các loại thịt tại chợ này đã tăng lên 10-20% so với một tháng trước. Thịt lợn thăn giá 75.000 đồng mỗi kg, thịt bò 90.000-100.000 đồng, gà ta làm sẵn 80.000 đồng, tôm sú lớn 190.000 đồng. Mới đây một vài hãng dầu ăn cũng tăng giá thêm khoảng 5%, khiến giá của mặt hàng này từ năm 2007 đến nay đội lên 40%. Từ ngày 16/1 vừa qua, sữa bột lại có một đợt tăng giá mới.
Vào thời điểm này, chỉ các loại rau củ giảm giá do đang vào giữa vụ, trong đó giá các loại rau xanh giá hạ khoảng 2.000 đồng mỗi kg.
Các bà nội trợ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi mua sắm. |
Tại TP HCM, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng từng ngày. Chị Vân, bán trứng gà tại chợ Cầu Muối cho biết, trứng gà, vịt đã tăng 2.000 mỗi chục trong những ngày gần đây, do giáp Tết người dân tập trung trứng vào lò để ấp thành trứng vịt lộn, khiến nguồn cung yếu. Thêm vào đó, sức mua tăng cao do nhu cầu làm món thịt kho tàu ngày Tết. Chị dự đoán, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá còn tiếp tục tăng.
Giá đậu phụ tại các chợ cũng tăng thêm từ 500 đến 1.000 đồng mỗi miếng do nguyên liệu như đậu nành, dầu ăn liên tục đội giá. Cô Thoa, bán đậu phụ lâu năm than thở bây giờ chỉ lấy công làm lời.
Năm nay, các loại mứt đều tăng giá do giá đường và các nguyên liệu làm mứt tăng cao. Mứt sơri, mãng cầu nhích lên 5.000-7.000 đồng, cá biệt có loại hơn 10.000 đồng mỗi kg. Hạt dưa, bí cũng tăng 15.000-25.000 đồng một kg so với năm ngoái. Người tiêu dùng năm nay chuộng các loại bánh kẹo nhập ngoại có mẫu mã bắt mắt, dù giá cao hơn so với hàng trong nước.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ nông sản Thủ Đức cho biết, lượng hàng về chợ những ngày gần đây đã tăng từ 2.000 lên 2.800 tấn một đêm, giá cả cũng tăng nhẹ 200-1.000 đồng mỗi kg. Bà cho hay, chưa có dấu hiệu cho thấy tiểu thương ghim hàng chờ giáp Tết, song một số người đã liên hệ với nhà vườn mua thêm rau củ quả để dự trữ.
Mới đây Ủy ban nhân dân TP HCM đã tạm ứng 400 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho 6 doanh nghiệp mua hàng dự trữ Tết và yêu cầu các công ty này niêm yết giá bán các mặt hàng thiết yếu thấp hơn thị trường ít nhất 10%, và hàng hóa khác thấp hơn 3-5%.
Hà Nội cũng vừa cung ứng 50 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp để dự trữ hàng Tết, nhằm bình ổn giá cả. Trong đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được vay không tính lãi suất 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã chuẩn bị lượng hàng trị giá 350 tỷ đồng cho Tết, tăng 20% so với năm trước, để cung ứng cho hệ thống 20 siêu thị và 30 cửa hàng tiện ích.
Theo ông Trần Mạnh Cảnh, Phó tổng giám đốc Hapro, dự báo năm nay có đột biến trên thị trường nên khó tránh khỏi việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu. "Giá đầu vào đang tăng từng ngày", ông Cảnh cho hay.
Theo Phó tổng giám đốc Hapro, doanh nghiệp này sẽ cố gắng ở mức có thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá đầu vào tăng nhanh hơn mức lãi suất được miễn giảm, các doanh nghiệp chỉ có thể giữ ổn định hàng thiết yếu phục vụ Tết, để người có thu nhập trung bình vẫn có thể mua sắm.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết, các siêu thị đều có kế hoạch giữ giá không tăng quá cao, song trên thị trường tự do thì khó kiểm soát. Hiện hệ thống siêu thị mới cung ứng 10% nhu cầu hàng hóa của người dân trên địa bàn thành phố.
Các siêu thị của Hà Nội dự trữ trên 200 tấn thịt lợn và gần 400 tấn thịt gà, song trung bình mỗi ngày trong dịp Tết, thị trường Hà Nội sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn thịt lợn và 100 tấn thịt trâu, bò. Lượng hàng hóa các siêu thị chưa đáp ứng kịp đều do các chợ cung ứng.
Ông Phú dự báo, sau Tết giá cả sẽ tiếp tục leo thang, nhất là trong trường hợp thị trường thế giới tiếp tục biến động và giá than, điện trong nước tăng.
Nguyễn Minh - Ánh Hồng