Sáng mùng 4 Tết, chị Hương ở quận Long Biên HN ra chợ mua cá để đổi khẩu vị. Đến nơi, chị "choáng" khi bà chủ hàng hét giá gần 200.000 đồng một kg.
Không mang đủ tiền để lấy cả con, chị Hương đành mua hai khúc đuôi và chạy sang mua thêm mấy bìa đậu để chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Tới đây, chị thêm một phen giật mình khi mỗi bìa đậu con con được bán với giá 2.000-3.000 đồng.
Trời lạnh, cộng với thời gian nghỉ khá dài khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm leo thang nhanh chóng. So với thời điểm trước Tết, giá nhiều mặt hàng không những không giảm mà còn tăng rất mạnh, từ 40% đến 80%, thậm chí có mặt hàng tăng tới 100%.
Tại một số chợ ở Hà Nội như Gia Lâm, Kim Liên, Mơ, giá 1 kg tôm sú dao động trong khoảng 300.000- 320.000 đồng, cá trắm đen 150.000-170.000 đồng, thịt lợn thăn lên tới 90.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng - cao gấp đôi so với thời điểm giáp Tết.
Tuy nhiên, đắt nhất vẫn là các loại hải sản như tôm sú, cá, sò huyết, ngao...và các loại rau xanh, đậu. "Ngày Tết nhà nào cũng có những món ăn giống nhau, ăn mãi cũng thấy ngán nên muốn đổi món một chút" - một bà nội trợ tâm sự.
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều hộ kinh doanh ra sức hét giá. Ngày thường một mớ rau cải chỉ 1.000 đồng thì nay lên tới 3.000 thậm chí 4.000 đồng. Su hào cũng 3.000 đồng một củ, nếu khách đông thì giá bị đẩy lên tới 5.000 đồng, còn súp lơ thì có nơi giá lên tới 15.000 đồng một chiếc.
Không chỉ thực phẩm, và rau xanh, giá các loại hoa quả cũng tăng nhanh chóng. Mỗi kg cam có giá 35.000 đồng - 40.000 đồng, tăng khoảng15.000 đồng so với thời điểm trước Tết, xoài: 30.000 -35.000đồng, thanh long 25.000- 30.000 đồng...
Giải thích về sự tăng giá trên, các hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ Hà Nội cho hay, nhu cầu của người dân sau Tết vẫn cao, mà những ngày vừa qua lượng hàng tại các chợ giảm do nhiều hộ chưa mở hàng.
Không cao ngất ngưởng như Hà Nội, thị trường thực phẩm TPHCM hôm nay đã bắt đầu hạ nhiệt. Khảo sát của VnExpress tại một số chợ bán lẻ trong thành phố, sau Tết các loại rau quả, thịt bò thay thế thịt lợn tiêu thụ mạnh.
Thịt bò hôm nay đã giảm từ 150.000 đồng một kg của 2 ngày trước xuống còn 120.000 đồng vì đã có nhiều người bán hơn.
Rau quả cũng hạ giá dần. Nếu mùng 3 Tết giá rau xà lách còn ở mức 80.000 đồng một kg thì 2 ngày sau đã giảm còn 50.000 đồng; nấm rơm là mặt hàng được nhiều bà nội trợ săn lùng để đổi món cho bữa cơm gia đình cũng giảm từ 70.000 đồng một kg xuống còn 45.000 đồng. Giá bông cải cũng giảm nhẹ, còn 20.000 đồng một kg, so với mấy ngày trước giảm 5.000 đồng.
Chị Thanh, bán hàng rau củ nói, mùng 5 hầu hết người cung cấp hàng hóa đã bắt đầu làm việc trở lại nên sản phẩm dồi dào hơn vài ngày trước. Song nhu cầu cao nên giá cả vẫn chưa trở lại bình thường.
Thủy hải sản cũng vẫn còn cao giá, giảm chậm hơn so với thịt hay rau quả. Chị Phương, chủ quầy cá chợ Nguyễn Văn Trang, quận 1, cho biết, vì là đầu năm nên ngư dân chưa đi biển. Các chợ TP HCM những ngày đầu năm thiếu vắng hẳn cá biển. Trong khi đó, nhu cầu các gia đình đổi khẩu vị cho bữa cơm những ngày sau Tết khiến giá cá, tôm ngoài chợ tăng cao.
Đơn cử như cá diêu hồng loại nhỏ hôm nay vẫn còn ở mức 40.000 đồng một kg, còn gấp đôi so với bình thường. Tôm sú loại nhỏ, bình quân 80.000 đồng một kg trong khi ngày thường với hàng cùng loại chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng.
Bà Hải, một người bán cá khác ở chợ Thái Bình, quận 1, than vãn: "Giá cả đầu năm vẫn còn cao quá, cao đến mức vô lý nên thậm chí tôi cũng e ngại không dám lấy nhiều hàng về bán".
Đã thành thông lệ sau Tết giá cả các mặt hàng thực phẩm đều bị đẩy lên. Dự đoán của một số chủ kinh doanh, mức giá cao như hiện nay có khả năng sẽ tiếp tục duy trì ít nhất 1 tuần sau Tết.
Phan Anh - Hà Vy