Còn tại London, dầu Brent cũng chỉ còn 70,80 USD mỗi thùng, hạ tiếp 3,73 USD.
Giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ hôm qua sụt xuống mức 3,12 USD mỗi gallon, rẻ hơn rất nhiều đỉnh cao hôm 17/7, 4,114 USD một gallon. Khi nhiên liệu hạ nhiệt, người dân sẽ dần được hưởng các mức giá hàng hóa, tiêu dùng rẻ hơn.
Nỗ lực của các quốc gia trong việc ngăn chặn khủng hoảng tài chính dường như vẫn không đủ xua tan những lo ngại của giới đầu tư về viễn cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới. Nhu cầu nhiên liệu sẽ theo đó bị cắt giảm. Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua lại thêm một ngày tồi tệ, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones bị bay hơi tới 733 điểm. Sự phát triển không bền vững của các ngành công nghiệp, hay những vết thương gỉ máu từ nội tại nền kinh tế đã tạo áp lực lên giá dầu.
Chủ tịch Hội đồng cố vấn năng lượng Jim Ritterbusch thuộc nhóm Ritterbusch & Associates tại Galena nhận xét: "Các thương gia dầu lửa đang coi thị trường chứng khoán là cái nhiệt kế để đo sức khỏe nền kinh tế, nên dễ hiểu là giá mặt hàng này cũng đang bị nhấn chìm trong cơn khủng hoảng". Mặt khác, khi nguồn vốn dốc vào chứng khoán đang cạn dần, giới thương gia sẽ lại đẩy mạnh việc bán dầu ra để thu về tiền về, đồng thời để tránh việc giá nhiên liệu có thể giảm sâu hơn.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự tính nhu cầu năng lượng của các nước giàu trong năm 2009 có khả năng tăng 400.000 thùng một ngày, cao hơn so với năm nay, còn tại các nước đang phát triển sẽ là 1,1 triệu thùng. Các nước Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ thường dẫn đầu về cầu nhiên liệu. Để ngăn đà rơi của giá dầu, OPEC sẽ thắt chặt nguồn cung.
OPEC cũng cho biết lượng dầu tiêu thụ tại các nước phát triển trong tháng 9 vừa qua đã giảm trên 1 triệu thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tại các nước đang phát triển trong cùng thời điểm lại tăng 1,2 triệu thùng mỗi ngày.
Hiện thị trường này đang nghe ngóng những thông tin về lượng dầu dự trữ và tiêu thụ tại Mỹ trong tuần qua sẽ được công bố hôm nay.
Thanh Phương (theo AP)