Thanh Huyền -
Vũ điệu thân gầy do cây bút Từ Nữ Triệu Vương tuyển chọn và được khai sinh tại Nhà xuất bản Trẻ với những lời cổ vũ nồng nhiệt và đầy ưu ái của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Cuốn sách tập hợp nhiều truyện ngắn của các cây bút nữ như Trang Hạ (Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử), Nguyễn Thúy Hằng (Vòng lục giác). Niê Thanh Mai (Khoảng trắng ngày xưa tôi), Phạm Ngọc Lương (Lơ lửng trên cao), Từ Nữ Triệu Vương (Rỗng)...
Phê bình họ là những cây bút "tập sự" đến từ Khoa sáng tác, lý luận, phê bình văn học thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội. Nhà văn trẻ, nhà phê bình còn trẻ hơn, nên cuộc đối thoại diễn ra khá thẳng thắn, đa chiều với sự dẫn dắt của hai MC Nguyễn Chí Hoan và Cao Việt Dũng.
![]() |
Trang bìa cuốn sách. |
Chia Vũ điệu thân gầy thành 3 kiểu vũ điệu, Hương Trà (sinh viên K9) nhận xét: "Tôi thấy có những điệu nhẹ nhàng mà trữ tình, như Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ, Đi vào một ngày không báo trước của Nguyễn Thị Cẩm; có những vũ điệu man dại thần bí, chẳng biết những đôi chân sẽ đi tới đâu, theo lối nào như Lơ lửng trên cao của Phạm Ngọc Lương, Ngày kín của Cấn Vân Khánh. Tôi lại thấy cả những điệu nhảy, không những không đẹp, lại còn vô nghĩa, trong trang phục hở hang quá mức. Tôi hiểu những người đang quay cuồng nhảy đó không vì mục đích nghệ thuật mà nhảy chỉ để nhảy, để giải trí như một cách giết thời gian và giải tỏa tâm lý tạm thời thôi". Theo chị, vũ điệu thứ ba này có trong những tác phẩm như Rỗng, Em xinh không (Từ Nữ Triệu Vương), Dạo bước 13 phút (Trương Quế Chi) - những truyện ngắn mà "nghệ thuật truyện bình thường và tư tưởng nghệ thuật trống rỗng. Nó như những đợt bong bóng nổi lên trong nồi nước vừa tới 100 độ... nhưng những bong bóng này sớm hay muộn cũng sẽ tan đi nhường chỗ cho khối nước trong hiền lành không làm mình làm mẩy". Trong khi đó, Nguyễn Tuệ Minh (K8) lại đánh giá cao cá tính của các nhà văn cùng trang lứa: "Cái tôi là điểm xuất phát và cũng là đích đến của các tác phẩm văn học. Đọc tập truyện ngắn Vũ điệu thân gầy, tôi thấy đây là cả một cơn thịnh nộ của cái tôi cá nhân. Mỗi truyện ngắn thể hiện một cái tôi độc nhất. Ở đó bộc lộ cá tính nghệ thuật của 12 cây bút nữ thế hệ 8X".
Tre rừng (Lynh Bacardi) và Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ) là những truyện ngắn được đánh giá cao trong tập, đặc biệt là Những đốm lửa. Hương Trà viết, truyện ngắn này là "một mối tình nồng nàn, đẹp nhưng buồn và bế tắc của hai người đồng giới nam. Một cách chậm rãi, Trang Hạ đưa vào truyện những dòng văn rất đẹp... Các tình tiết đơn giản, nhưng ăn khớp nhau và không có chi tiết thừa". Còn nhà phê bình Văn Giá, người chê cả tập truyện nhưng khen mỗi Những đốm lửa nhận xét: "Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử độc đáo trong đề tài, xáo trộn thời gian trần thuật, hình ảnh đống lửa trở đi trở lại như một điểm nhấn gợi nhiều nghĩa, kết bằng một khởi đầu của cốt truyện, văn đẹp, tinh tế, có kỷ luật chữ, chắt lọc và trau chuốt. Trang Hạ rất có mỹ cảm về ngôn từ".
![]() |
Hương Trà phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Tuy nhiên, trước những ý kiến chê nhiều hơn khen, Từ Nữ Triệu Vương - người tuyển trạch - khi được mời phát biểu đã nói: "Họ mới chỉ mơn man ngoài cơ thể của chúng tôi thôi. Chứ họ không hiểu chúng tôi. Họ áp đặt và so sánh chúng tôi với nhiều thế hệ khác mà không đưa ra những dẫn chứng cụ thể".
Còn cây bút Phạm Hương Giang khẳng định: "Các bạn phê bình nhưng chưa chỉ ra chính xác cái không hay của chúng tôi. Tôi mong sự khen, chê phải rõ ràng".
Nhu cầu được hiểu, được cụ thể hóa của chị đã được nhà phê bình Văn Giá đáp ứng bằng một tham luận kỹ lưỡng và cẩn thận. Với "cảm hứng phê phán" bao trùm, ông chỉ ra 4 điểm yếu cơ bản của tập truyện: đơn nghĩa, các thao tác văn bản truyện còn thô, chưa biến hóa, thiếu những chi tiết nghệ thuật độc đáo và chưa có sự đầu tư thích đáng vào ngôn từ. Nhà phê bình viết: "Đa số các truyện trong Vũ điệu thân gầy bộc lộ những ý nghĩa hoặc rõ ràng, hoặc mơ hồ nhưng thảy đều nhẹ, không có khả năng ám gợi, không khiến người đọc day dứt. Chúng nhanh bị chuội đi, không có chất dính neo bám vào tâm hồn người đọc. Chữ nghĩa nhanh chóng bốc hơi. Hầu hết chúng là loại truyện một nghĩa". Sự non nớt của các cây bút trong tập truyện này còn được ông cắt nghĩa: "Nguyên nhân gốc của tình trạng trên là hầu hết các cây bút trẻ chưa cật lực xác lập cho mình một quan niệm sâu sắc và vững chãi về đời sống cũng như nghệ thuật. Họ phơi bày cái tôi một cách nóng nảy sốt sắng. Họ cố thủ trong cảm hứng tự tôn thái quá. Họ lên tiếng chống thói a dua bầy đàn nhưng kỳ thực họ lại không cắt rốn được khỏi nó. Họ chăm chú vào việc tìm kiếm cái khác lạ ở đề tài chứ chưa thực sự ráo riết tìm kiếm cái khác lạ ở nghệ thuật tự sự, tức là cách kể và cấu trúc. Họ chưa đủ mạnh để đạt được tính dân chủ và đối thoại trong sáng tạo".
Dẫu nhận về nhiều lời chê nhưng cuối cùng, Vũ điệu thân gầy vẫn được gửi gắm nhiều hy vọng, đây sẽ là một trong những nỗ lực khởi đầu cho những cách tân văn học đáng diễn ra, nhằm thay thế cái cũ.
Buổi tọa đàm này là một trong những hoạt động được Ban Công tác Nhà văn Trẻ tổ chức thường niên nhằm hướng sự chú ý của dư luận đến những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại.