Ngay từ 8h sáng, các cửa hàng kinh doanh gạo ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đều để những tấm biển ghi giá giảm từ 2.000 đến 3.000 đồng mỗi kg: gạo Tám Thái giá 18.000 đồng, Xi dẻo 14.000 đồng, Dự hương 15.000 đồng. Tại chợ Ngọc Hà, Thành Công, Láng Hạ, Ngô Sĩ Liên, Đội Cấn... giá gạo giảm 1.000-2.000 đồng một kg. Gạo Tám Thái giá 20.000 đồng, Tám Hải Hậu, Tám Thái trồng trong nước 18.000 đồng, Bắc Hương 16.000 đồng, gạo tạp giao 12.000 đồng, gạo 203 giá 13.000 đồng một kg...
Dù đã giảm, nhưng mức giá này vẫn còn cao hơn khá nhiều so với thời điểm trước cơn "sốt ảo". Theo nhiều chủ hàng, giá gạo có thể đứng đến hết tuần, tình trạng tăng giá đột biến như mấy ngày qua sẽ khó xảy ra.
Đến chợ Khương Thượng (Chùa Bộc), hầu hết các dãy hàng đều cắm biển nhưng che giá tiền, nhiều biển giá còn bị xóa nghệch ngoạc, chủ hàng Minh Thu cho biết: "Mấy ngày nay tôi cũng chóng mặt vì giá gạo, khách giờ thấy gạo "sốt ảo" cũng chẳng thiết tha giá rẻ mà mua về tích trữ nữa".
Tuy nhiên, một số người bán gạo trong chợ Ngô Sĩ Liên cho hay, do họ mua gạo giá đắt nên nếu giảm xuống nữa thì không có lãi. Các hộ kinh doanh gạo lâu năm thì vẫn giữ nguyên mức giá như cũ. Một số sạp gạo bán lẻ để các mức giá chênh lệch nhau để hút khách, nhưng vẫn vắng vẻ.
Các quầy gạo tại siêu thị đều gần như trống không. Ảnh: H.N. |
Tại các siêu thị Fivimart Hoàng Quốc Việt và Thái Hà, các sạp gạo vẫn trống trơn, siêu thị chưa nhập hàng để bán, chỉ thấy một ít gạo nếp và Thái hoa vàng nhập khẩu. Anh Trần Trung - nhân viên siêu thị Fivimart - cho hay: "Siêu thị đã hết hàng từ hôm thứ 7, chủ nhật tuần trước, do mọi người đổ xô đi mua. Khoảng 1-2 ngày nữa chúng tôi mới nhập hàng".
Theo một nhân viên siêu thị Hapro, hai hôm nay, bên cung cấp vì trục trặc gì đó nên chưa thấy giao hàng sang.
Một khách hàng tuổi trung niên đi qua quầy gạo nói: "Mấy hôm trước đến siêu thị đông lắm! Mọi người chen nhau mua từng bịch gạo về. Tôi thì không mua vì có chục cân gạo ở nhà rồi, trước sau gì giá cũng giảm nên không cần vội".
Thanh Phương - Hồng Nhung