Ngày 26/11, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, giải thích thời gian qua có nhiều sự cố do phương tiện đi với tốc độ cao, gây nguy cơ va chạm tại đảo thu phí, barie. Ngoài ra, ôtô cần đi chậm để hệ thống ETC có thể đọc, xử lý dữ liệu trong tài khoản giao thông.
Hiện theo quy định, phương tiện vẫn được chạy tối đa 60 km/h trước trạm thu phí.
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam lắp biển báo tốc độ tối đa cho phép 30 km/h tại trạm thu phí để các tài xế giảm tốc độ, hạn chế ôtô va chạm barie khi qua trạm. Chiều dài quãng đường hạn chế tốc độ chỉ 30 m, tương ứng với chiều dài của đảo thu phí.

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Ngọc Thành
Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam không chấp thuận đề xuất này và yêu cầu lắp đặt biển "Đi chậm" tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019 của Bộ Giao thông Vận tải. Tài xế phải giảm tốc độ khi thấy biển báo đi chậm để đảm bảo an toàn, chứ không nói rõ phải giảm xuống bao nhiêu.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, một số chủ đầu tư BOT đã đề nghị cắm biển tốc độ 30 km/h tại trạm thu phí, song Cục chủ trương khuyến cáo lái xe giảm tốc độ qua trạm để đảm bảo an toàn. Nếu gắn biển 30 km/h sẽ gây khó cho tài xế.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía nam TP Hà Nội, được đầu tư theo hình thức BOT. Tuyến đường dài 29 km với 6 làn xe, đã được lắp đặt toàn bộ hệ thống thu phí không dừng.
Thời gian qua, tại các trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xảy ra một số vụ ôtô chạy tốc độ cao, tài khoản thu phí không dừng không đủ tiền hoặc lỗi đọc thẻ khiến barie hạ xuống, gây va chạm, vỡ kính xe.