Thế giới đã ghi nhận 156.658.764 ca nhiễm nCoV và 3.268.623 ca tử vong, tăng lần lượt 829.507 và 13.321, trong khi 134.779.014 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tuy nhiên, phân tích mới từ Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) của Mỹ cho rằng số người chết vì đại dịch lên tới gần 6,9 triệu người. "Rất nhiều nơi chưa thống kê đủ số ca tử vong", Christopher Murray, giám đốc IHME, nói trong một cuộc họp báo.
Phân tích chỉ ra Mỹ vẫn là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, nhưng con số thực tế có thể hơn 900.000 ca, thay vì gần 580.000 như báo cáo chính thức.
Đứng thứ hai sau Mỹ không phải Brazil mà là Ấn Độ, theo Murray. Quốc gia này đã báo cáo hơn 230.000 người chết vì đại dịch, nhưng phân tích cho rằng con số này là hơn 650.000 người.
Mexico và Nga là hai quốc gia tiếp theo, với số ca tử vong ước tính lần lượt là 617.000 và 590.000, thay vì con số 218.000 và 110.000 ca như số liệu được công bố.
Murray cho rằng lý do khiến nhiều quốc gia báo cáo số ca tử vong thấp hơn thực tế là do hệ thống y tế quá tải và xét nghiệm chưa đủ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.364.941 ca nhiễm và 593.970 ca tử vong do nCoV, tăng 43.568 ca nhiễm và 822 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Số ca nhiễm, tử vong và nhập viện của Mỹ đang giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (JHU). Cụ thể, số ca nhiễm mới hàng ngày trung bình 7 ngày qua là 46.656 ca, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 năm ngoái. Số ca tử vong trung bình là 686 ca/ngày, mức thấp nhất trong 10 tháng qua. Trong khi số, số ca nhập viện trung bình hiện tại là 39.897. Vào thời kỳ đỉnh điểm hồi giữa tháng 1, Mỹ ghi nhận trung bình 133.811 ca nhập viện.
Khoảng 149,5 triệu người Mỹ, tương đương 45% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi gần 109 triệu, khoảng 33% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).
Gần 252 triệu liều vaccine đã tiêm ở Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 324,6 triệu được phân phối tại quốc gia này.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 21.485.285 ca nhiễm và 234.071 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 414.433 và 3.920 ca.
Bang Kerala, phía nam Ấn Độ, sẽ gia hạn phong tỏa từ ngày 8/5 tới 16/5, theo thông báo của Thủ hiến Vijayan Pinarayi. Bang này đã báo cáo 1.743.932 ca nhiễm và 5.565 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.
Shivraj Singh Chouhan, Thủ hiến bang Madhya Pradesh, ngày 6/5 cũng thông báo gia hạn lệnh phong tỏa tới 15/5 để ngăn Covid-19. Theo lệnh giới nghiêm của chính quyền địa phương, người dân không được phép tổ chức đám cưới hoặc tụ tập đông người trong tháng 5.
Ông Chouhan cũng cảnh báo sẽ xử lý tất cả trường hợp cố ý tăng viện phí điều trị bệnh nhân Covid-19 nhiều hơn mức bình thường.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.003.563 ca nhiễm và 416.949 ca tử vong, tăng lần lượt 67.099 và 2.304.
Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới. Với hợp đồng mới, Brazil sẽ có 200 triệu liều vaccine Pfizer để giảm bớt tình trạng thiếu vaccine của nước này.
Nga, báo cáo 4.855.128 người nhiễm và 112.246 người chết, tăng lần lượt 7.639 và 351 trường hợp.
Nga đã cấp phép sử dụng cho Sputnik Light, phiên bản vaccine ngừa Covid-19 một mũi tiêm, theo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga hôm 6/5, động thái có thể giúp tăng nguồn cung vaccine cho những nước có tỷ lệ nhiễm cao.
Được phát triển bởi Viện Gamaleya ở Moskva, loại vaccine này được đánh giá hiệu quả chống Covid-19 79,4% và có giá chưa tới 10 USD/liều.
Nhật Bản, báo cáo 3.763 ca nhiễm và 47 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 616.123 và 10.517 trường hợp.
Các bệnh viện ở Osaka, Nhật Bản đã hết giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, theo dữ liệu chính phủ. Tỷ lệ giường sử dụng cho các ca Covid-19 nặng ở Osaka đã chạm ngưỡng 103% vào ngày 5/5, trong khi tỷ lệ này của các ca nhẹ và trung bình là 82,4%.
Để đối phó với số ca nhiễm tăng, chính quyền đã mở thêm hai trung tâm chờ vào tháng 4, được trang bị máy thở, để tiếp nhận các bệnh nhân chưa thể nhập viện. Giới chức địa phương cũng đề nghị các tỉnh lân cận giúp tiếp nhận ca Covid-19 nặng để giảm tải cho Osaka, nhưng đến nay chỉ có tỉnh Shiga đồng ý và tiếp nhận một bệnh nhân.
Kể từ khi đợt bùng phát mới bắt đầu ngày 4/3, 17 bệnh nhân đã chết ở nhà hoặc khách sạn, theo dữ liệu của chính phủ. Giới chức Osaka cho biết gần 14.000 bệnh nhân phải điều trị tại nhà, trong khi gần 3.000 phải chờ nhập viện hoặc ở phòng khách sạn.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.697.305 ca nhiễm, tăng 5.647, trong đó 46.496 người chết, tăng 147.
Khoảng 18 triệu người, 7% dân số, vẫn lên kế hoạch tận hưởng kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ, theo một khảo sát của hãng thông tấn nhà nước Antara.
Indonesia đã ban hành lệnh cấm đi lại từ ngày 6/5 tới 17/5 để ngăn chặn lây lan dịch. Theo lệnh cấm, người dân phần lớn chỉ có thể đi lại trong thị trấn hoặc thành phố mình sinh sống. Khoảng 155.000 nhân viên an ninh, gồm 90.000 cảnh sát và 11.500 sĩ quan quân đội, được triển khai tới các trạm kiểm soát trên khắp nước để thực thi lệnh cấm đi lại và các biện pháp giới hạn khác trong kỳ nghỉ lễ.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.080.172 ca nhiễm và 17.991 ca tử vong, tăng lần lượt 6.637 và 191 ca.
Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu thực thi ngay lập tức lệnh bắt người vi phạm quy định đeo khẩu trang bắt buộc, như đeo khẩu trang không đúng cách, theo thông báo của Bộ Tư pháp Philippines ngày 6/5.
Campuchia ghi nhận thêm 650 ca nhiễm nCoV và 4 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 17.621, trong đó 114 người đã tử vong.
Chính quyền Phnom Penh đã ban hành hướng dẫn chi tiết cho các khu vực trong thành phố sau khi lệnh phong tỏa kết thúc hôm 5/5 và quy định này có thời hạn tới 12/5. Theo đó, một số vùng đỏ phải tiếp tục tuân thủ quy định như thời gian phong tỏa.
Người dân sống trong khu vực màu đỏ phải ở lại nơi cư trú, không được ra ngoài "trừ phi có việc khẩn cấp", còn người dân trong vùng cam có thể di chuyển "nếu có việc cần thiết". Người dân sống trong vùng vàng được phép đi lại, đa số các ngành nghề kinh doanh được phép mở cửa lại.
Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 20h tới 3h vẫn áp dụng với khu vực màu vàng và màu cam.
Lào báo cáo 105 ca nhiễm mới trong ngày 6/5, nâng tổng số ca Covid-19 của nước này lên 1.177.
Chính phủ Lào quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày tới 20/5. Thủ tướng Phankham Viphavanh cho biết việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn hiện tại để ngăn chặn đợt bùng phát của dịch là điều cần thiết.
Đội Kiểm soát và Phòng ngừa Covid-19 của Lào hôm 6/5 cũng kêu gọi các cơ quan chức năng và người dân tiếp tục tuân thủ các chỉ thị của chính phủ về phòng chóng dịch, đồng thời thúc giục cơ quan chức năng giám sát nghiêm việc thực hiện của công chúng.
Thanh Tâm (Theo Guardian, CNN, SCMP, US News, Inquirer, Vientiane Times)