Sáng sớm nay, tại Hà Nội, nhiều thí sinh trọ xa phải đội mưa đến địa điểm thi. 6h sáng, cổng trường ĐH Y, Sư phạm, Luật, Ngoại thương…đã chật kín phụ huynh và thí sinh. Sự lo âu vẫn lộ rõ trên gương mặt nhiều thí sinh. Hương Giang (Lào Cai) cho biết, cô mất ngủ cả đêm qua. “Nếu trượt ĐH Y, em sẽ vào trường Y tế công cộng. Xác định tâm lý như vậy nhưng em vẫn thấy lo”.
Tại cổng ĐH Sư phạm Hà Nội, khi nhiều sĩ tử đã yên vị trong phòng thi, thí sinh Vũ Thanh Hoa (Bắc Giang) vẫn đứng nói chuyện cùng mẹ. "Chưa đến giờ thi, em ngồi đây nói chuyện, nhìn người này người kia cho đỡ căng thẳng”.
Khi thí sinh làm bài, phía ngoài, các phụ huynh ngồi bàn bạc và dự đoán độ khó dễ của đề thi. Chị Thu Thủy (Hà Nội) cho biết: “Đợt 1 cháu đi thi về, cả nhà không ai dám hỏi, cứ hỏi là nó cáu. Hy vọng hôm nay cháu sẽ làm bài tốt”.
5 giờ sáng tại TP HCM, trời âm u, nhưng các thí sinh, phụ huynh đã đổ về các hội đồng thi từ khắp các ngả đường. Không ít em vừa tranh thủ ăn sáng, và đọc tài liệu ngay trên xe máy dưới ánh sáng của các bóng đèn công cộng.
6 giờ sáng ở Hội đồng THPT Marie - Curie (điểm thi của ĐH Mở TP HCM), thí sinh Trương Vũ Hùng liên tục nhận các cuộc gọi vào điện thoại di động do ba mẹ gọi từ Bình Thuận dặn dò, hỏi han. Hùng cho biết là cựu học sinh THPT chuyên Trần Hưng Đạo, tỉnh Bình Thuận, dự thi khối B, ngành công nghệ sinh học của ĐH Mở thành phố. Sáng nay chỉ cậu chỉ có chị gái - hiện là sinh viên năm hai ĐH Hồng Bàng đưa đi thi nên "chắc ba mẹ sốt ruột".
"Môn Sinh đối với những thí sinh chuyên ban A không quá khó, nhưng chúng em rất "ngán", vì đề Sinh trắc nghiệm thường hỏi nhiều lý thuyết, còn phần bài tập lại ít điểm", Hùng vừa nói, vừa đưa điện thoại di động cho chị gái trước khi bước vào hội đồng thi.
Tại Hội đồng THPT Lê Quý Đôn (điểm thi của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM), phụ huynh đưa con đi thi đứng kín hai bên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai - quận 3. Nhiều người cố gắng chen chúc đứng sát vào cánh cổng trường, dặn dò với theo cho tới khi các thí sinh đi khuất hẳn vào phía trong trường.
Mắt thâm quầng vẻ thiếu ngủ, ông Nguyễn Văn Nơ, phụ huynh đến từ huyện Bình Sơn - tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ông theo con gái là Kim Phụng vào TP HCM thi ĐH từ đầu tháng 7. Đợt 1, Phụng thi khối A, ngành quản trị kinh doanh - ĐH Sài Gòn. còn đợt 2 này, con gái ông thi khối D vào ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. 4h sáng nay, hai cha con lục đục đi từ nhà người thân ở huyện Bình Chánh để tới điểm thi, vì sợ kẹt xe và chưa biết đường đi.
"Đêm qua, thấy con gái lo lắng vì văn không phải môn sở trường nên tôi bắt cháu đi ngủ từ 21h30, nhưng bản thân tôi thì bồn chồn không chợp mắt được tí nào. Nghe nói, có tới hơn 14.000 thí sinh thi vào ĐH Khoa học xã hội nhân văn nên tôi cũng hơi lo", ông Nơ tâm sự.
Giống như ông Nơ, nhiều phụ huynh tại Hội đồng thi THPT Lê Quy Đôn đều thú nhận "hồi hộp" hơn cả các thí sinh khi được hỏi. Không ít phụ huynh đến từ địa phương khác thì nhanh chóng kết nhóm trò chuyện, tâm sự chuyện nhà nông và cùng chung nỗi lo "nhìn mặt học sinh thành phố khôn thế kia, con mình thì lơ nga lơ ngơ". Nhiều người chuẩn bị sẵn nước uống, bánh mỳ, áo mưa... để đứng chờ các thí sinh làm bài thi.
Báo cáo nhanh chiều 8/7 của Bộ GD&ĐT cho thấy, tổng số thí sinh dự thi vào 89 trường là khoảng 586.000 em, đạt tỷ lệ 67%. Trong đó, đông nhất là Học viện Cảnh sát Nhân dân hơn 92%, Học viện An ninh Nhân dân gần 92%...
Với khoảng 37.000 thí sinh dự thi (72%), ĐH Cần Thơ là trường có số thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Ở đợt thi khối A, V, trường này cũng dẫn đầu với gần 34.000 thí sinh dự thi.
Thí sinh làm thủ tục thi khối D vào ĐH Ngoại thương Hà Nội ngày 8/7. |
Trong khi đó, Học viện Quan hệ Quốc tế lại có tỷ lệ dự thi thấp nhất và chỉ đạt 49%. Cao hơn chút là ĐH Bách khoa Hà Nội (53%), Học viện Tài chính (gần 54%). Ở đợt thi trước, Học viện Tài chính có tỷ lệ dự thi thấp nhất (45%).
Kết thúc mỗi buổi thi VnExpress sẽ phối hợp với Cổng luyện thi trực tuyến abcdonline.vn giới thiệu lời giải đề thi tuyển sinh đại học các môn tự nhiên. |
Đợt thi này, cả nước có 965 điểm thi với hơn 23.000 phòng thi. Do có nhiều môn tự luận nên Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, giám sát. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các trường lưu tâm, nhắc nhở thí sinh và giám thị không mang điện thoại di động vào phòng thi để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Trước đó, trong đợt thi ngày 4-5/7, hàng chục thí sinh và giám thị đã bị đình chỉ thi vì điện thoại di động.
Sau hai đợt thi đại học, số hồ sơ "ảo" đã lên tới hơn 580.000 bộ. Nếu mỗi bộ hồ sơ có giá 40.000 đồng thì tổng số tiền lãng phí lên tới hơn 23 tỷ đồng.
Lịch thi tuyển đại học đợt 2 | ||||
Ngày | Buổi | Khối | ||
B | C | D | ||
9/7 | Sáng | Sinh học | Văn | Văn |
Chiều | Toán | Lịch sử | Toán | |
10/7 | Sáng | Hóa học | Địa lý | Ngoại ngữ |
Chiều |
Nhóm phóng viên