Diễn tập thường niên Balikatan giữa Mỹ và Philippines dự kiến bắt đầu ngày 11/4 và kéo dài 17 ngày. Khoảng 12.200 binh sĩ Mỹ, 5.400 lính Philippines cùng 100 lính Australia sẽ tham gia diễn tập, các quan chức Mỹ ngày 6/4 cho biết.
Lực lượng tham gia diễn tập Balikatan năm nay gấp đôi năm ngoái và lớn nhất kể từ khi Mỹ và Philippines bắt đầu hoạt động quân sự chung này.
Binh sĩ Mỹ, Philippines và Australia tham gia Balikatan sẽ thực hành nội dung đảm bảo an ninh hàng hải, đổ bộ, bắn đạn thật và tác chiến trên không. Họ cũng diễn tập chống khủng bố, phòng thủ trên không gian mạng, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.

Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tham gia diễn tập Balikatan 2022 tại Philippines tháng 3/2022. Ảnh: USMC
Đợt diễn tập được tổ chức sau khi Washington và Manila ký thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines, động thái bị Trung Quốc chỉ trích là "làm leo thang căng thẳng quân sự và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định trong khu vực".
Philippines ngày 3/4 công bố 4 cơ sở mới cho phép quân đội Mỹ sử dụng gồm căn cứ hải quân Camilo Osias và sân bay Lal-lo ở tỉnh Cagayan, căn cứ Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela và một địa điểm ở tỉnh Palawan.
Cagayan và Isabela là các tỉnh cực bắc nằm trên đảo chính Luzon, Palawan là đảo cực nam án ngữ khu vực tây nam Biển Đông.
Giới chức Philippines nhận định 4 địa điểm này sẽ "giúp tăng cường năng lực ứng phó thảm họa của đất nước", cũng như đóng vai trò quan trọng với các chiến dịch cứu hộ và cứu trợ nhân đạo sau khi xảy ra thiên tai hoặc tình huống khẩn cấp.
Mỹ sau Thế chiến II triển khai lực lượng đồn trú quy mô lớn tại Philippines. Tuy nhiên, giới chức Philippines năm 1991 chấm dứt thỏa thuận và yêu cầu Mỹ trả lại toàn bộ căn cứ quân sự.
Washington và Manila năm 2014 thông qua Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), ban đầu cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ tại Philippines theo hình thức triển khai lực lượng đồn trú luân phiên, sau đó bổ sung thêm 4 cơ sở mới.
Nguyễn Tiến (Theo AP, Navy Times)