Ngày 19/4, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cho biết, dự án đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về hai huyện Châu Thành và Bến Cầu sẽ hợp long đoạn cầu máng ống thép qua sông Vàm Cỏ Đông trong tháng 6 tới.
Theo ông Xuân, dự án khởi công năm 2018, các gói thầu đang được triển khai đúng tiến độ, đã đạt 75% khối lượng. Công trình dự kiến vận hành cuối năm nay.
Dự án gồm kênh chuyển nước dài gần 17 km, kênh tưới chính trên 29 km, kênh cấp một hơn 71 km. Trên các kênh còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cống qua kênh, cống điều tiết, cống lấy nước, tràn cuối kênh...
Tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 650 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Công trình này sẽ đưa nước về tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt của người dân vùng biên giới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh, từ trước đến nay, nguồn nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt ở phía Tây tỉnh này chủ yếu dựa vào sông Vàm Cỏ Đông bằng các trạm bơm không ổn định, chi phí lớn, nên không đáp ứng được nhu cầu.
Thị sát dự án thủy lợi này ba ngày trước, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Tây Ninh này sở hữu quỹ đất nông nghiệp rộng, hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư đồng bộ, quy mô đáp ứng nhu cầu tưới tiêu là tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hồ Dầu Tiếng được khởi công năm 1981, hoàn thành bốn năm sau, là hồ thủy lợi lớn nhất nước với dung tích chứa hơn 1,5 tỷ mét khối. Diện tích mặt nước chủ yếu nằm ở tỉnh Tây Ninh, một phần tỉnh Bình Dương. Hồ cung cấp nước tưới tiêu chính cho Tây Ninh, TP HCM, Bình Dương, Long An...
Phước Tuấn