Thứ năm, 18/4/2024
Thứ hai, 18/11/2019, 12:00 (GMT+7)

Fujifilm X-Pro3 giá 42 triệu đồng

X-Pro3 là "canh bạc" của Fujifilm khi giấu đi màn hình chính và bỏ một số tính năng quay video so với X-T3 nhưng giá đắt hơn.

X-T3 hội tụ đầy đủ các công nghệ tốt nhất của Fujifilm với dòng máy cảm biến crop APS-C. Còn với X-Pro3, model vừa ra mắt tại Việt Nam, thể hiện rõ nhất "chất" của hãng máy ảnh Nhật Bản. Cả hai máy đều có thông số chính giống nhau, cảm biến BSI X-Trans CMOS độ phân giải 26 megapixel, chip xử lý lõi tứ thế hệ mới X-Processor và hệ thống lấy nét lai tự động. 

Ngoài thiết rangerfinder hoài cổ truyền thống, Fujifilm năm nay tăng thêm chất "máy phim" cho sản phẩm bằng thiết kế mặt sau với màn hình chính được giấu vào bên trong. Máy chỉ có một ô hiển thị nhỏ với các thông số cơ bản và bộ lọc màu phim đang sử dụng. Giao diện được làm giống khe hở hình cuộn phim nên tạo cảm giác như đang sử dụng máy phim đơn thuần. Người dùng cũng có thể chuyển sang chế độ hiển thị các thông số cơ bản như máy DSLR chuyên nghiệp. Hệ thống phím bấm cũng được tinh giản khi không còn các phím điều hướng và thay bằng joystick chỉnh nhanh điểm nét, chế độ cài đặt. 

Màn hình là đề tài gây tranh cãi nhất trên X-Pro 3. Đồng ý với thiết kế khác biệt giấu vào trong, nhưng một số nhiếp ảnh gia cho rằng việc lật xuống dưới thay vì khớp lật xoay khá hạn chế trong các tình huống chụp khó, tự chụp... Tuy nhiên, theo đại diện hãng, thiết kế này giúp tinh giản cơ chế bản lề, thao tác mở ra xem ảnh được cho là nhanh và tiện hơn. Màn hình chính trên X-Pro3 có kích thước 3 inch, hỗ trợ cảm ứng, độ phân giải 1,62 triệu điểm ảnh. 

X-Pro3 có 3 phiên bản màu sắc khác nhau: đen thông thường và hai màu xám đen, bạc cùng sử dụng lớp phủ Duratect (công nghệ từ hãng đồng hồ Citizen) chống xước có độ cứng chỉ kém hơn kim cương và sapphire. Chất liệu này cũng sẽ đổi màu nhẹ khi sử dụng do dấu vân tay và mồ hôi. Hai phiên bản có lớp phủ Duratect có giá đắt hơn bản thường là 4,5 triệu đồng. X-Pro3 không có nhiều khác biệt về thiết kế so với model tiền nhiệm. Tuy nhiên, chất liệu vỏ được nâng cấp sử dụng titan giống nhiều mẫu cao cấp của Leica thay vì hợp kim magiê như trước.

X-Pro3 sử dụng kính ngắm lai điện tử EVF và quang học OVF. Kính ngắm lai với chế độ quang học cố định ở độ phóng đại hình ảnh 0,52x thay vì chọn lựa giữa 0,36x và 0,6x của X-Pro2. Với chế độ ngắm qua màn hình được nâng cấp sử dụng tấm nền OLED, độ phân giải cao 3,69 triệu điểm ảnh.

Có phần cứng gần giống X-T3, nhưng X-Pro3 bị lược bớt khả năng quay video khi độ phân giải 4K chỉ đạt tốc độ khung hình tối đa là 30 trong khi "người anh em" là 60 hình/giây. 

X-Pro3 không có bánh xe chỉnh chế độ chụp riêng biệt mà chỉ có một điều khiển bù trừ sáng và một điều chỉnh tốc độ chụp. Ngay phía trong vòng chỉnh tốc độ là vỏng chỉnh ISO của máy. Thân máy tích hợp khe cắm thẻ nhớ SD kép chuẩn UHS-II và kết nối với máy tính qua cáp USB-C chuẩn USB 3.1. Các tùy chọn kết nối không dây có cả Wi-Fi và Bluetooth. Đáng tiếc nhất là sự thiếu hụt của cổng HDMI khiến X-Pro3 không thể xuất hình ảnh qua màn hình ngoài mà phải sử dụng một máy tính làm trung gian - gây khó cho những người quay phim chuyên nghiệp. 

Fujifilm X-Pro 3 có giá 42 triệu đồng cho phiên bản thường và 46,5 triệu đồng cho hai phiên bản sử dụng lớp phủ duratect là Dura Black và Dura Silver. Hãng không bán bộ kit kèm ống kính như X-T3. 

Tuấn Hưng