Dư luận cho rằng FED có thể sẽ duy trì mức lãi suất cơ bản ở mức 2% sau cuộc họp kéo dài hai ngày, từ thứ ba đến thứ tư tuần này. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên FED quyết định giữ nguyên lãi suất sau các cuộc họp. Tại những lần họp trước trước từ 9/2007 lãi suất đã bảy lần liên tiếp bị cắt giảm.
Lãi suất do FED đặt ra là công cụ giúp chính phủ Mỹ nhằm kiểm soát và điều chỉnh nền kinh tế. Cụ thể, FED sẽ hạ lãi suất khi nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại và nâng cao lãi suất khi lạm phát gia tăng. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng như một thước đo để đặt ra lãi suất cho người tiêu dùng khi vay vốn.
Nhiều người ủng hộ ông Ben Bernanke, chủ tịch FED, trong việc cắt giảm lãi suất, nhưng ý kiến phản đối cũng không ít. |
Một số nhà kinh tế nhận định FED sẽ bắt đầu nâng lãi suất ngay trong mùa hè này nhằm chống lại tình trạng giá cả leo thang. Một số người khác lại tin rằng điều chỉnh trên sẽ không diễn ra trước năm 2009.
Các chuyên gia nhận định, lãi suất quá thấp như hiện nay phần nào là nguyên nhân cho nhiều vấn đề nghiêm trọng của kinh tế Mỹ, chẳng hạn như tăng giá lương thực và giá xăng cũng như đồng đôla suy yếu.
Ông Rich Yamarone, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế tại Argus Research, cho rằng có lý do để đổ lỗi cho FED trong việc tiếp tay khiến những vấn đề trên trở nên trầm trọng hơn.
Một số nhà kinh tế đánh giá FED lẽ ra đã có thể thực hiện cắt giảm lãi suất mạnh xuống mức thấp như hiện nay ngay từ cuối năm 2007. Việc này sẽ có tác dụng như "kháng sinh liều cao" cho nền kinh tế Mỹ khi những dấu hiệu của khủng hoảng cầm cố và tín dụng mới chớm xuất hiện. Lãi suất được cắt giảm dần dần không những không giúp nước Mỹ giải quyết sớm những khó khăn liên quan tới thị trường tài chính mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề khác.
Ông Lakshman Achuthan, Giám đốc tại Economic Cycle Research, cho biết cắt giảm lãi suất quá nhiều lần đã "mở cửa" cho áp lực lạm phát tràn vào nước Mỹ trong vài tháng gần đây. Ông Achuthan nói: "Trong trường hợp này "liều thuốc bổ" lãi suất thấp đã trở thành thuốc độc".
Tuy nhiên cũng có những chuyên gia khác tin rằng hiện trạng nền kinh tế Mỹ đang rất mong manh và sẽ là quá sớm để kết luận liệu FED đã đưa lãi suất xuống quá sâu hay không.
Ông David Wyss, nhà kinh tế tại Standard & Poor, cho rằng điểm đáy của suy thoái vẫn chưa đến, vì thế FED cắt giảm mạnh lãi suất là hợp lý. Những người ủng hộ có cùng quan điểm lập luận rằng sự chững lại của nền kinh tế cuối cùng sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng và hàng hóa giảm đi. Từ đó hạ nhiệt cơn bão giá.
Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, thực chất những yếu tố khiến tăng giá dầu và lương thực đều nằm ngoài tầm kiểm soát của FED. Giả sử lãi suất là 2,5% thay vì 2% như hiện nay thì cũng sẽ không có nhiều sự thay đổi với giá dầu.
Nhu cầu năng lượng của thế giới tăng cộng thêm với yếu tố đầu cơ mới là thủ phạm đứng sau khiến giá các loại nhiên liệu tăng chóng mặt chứ không hoàn toàn vì việc cắt giảm lãi suất của FED.
Xuân Hòa (Theo CNN)