Riêng trong tháng 11, có 139 dự án được cấp mới với tổng vốn 3,6 tỷ USD, đưa số dự án cấp trong 11 tháng đầu năm lên 1.283 dự án, với tổng vốn 13,4 tỷ USD. Trong tháng có thêm 14 dự án hiện hữu xin tăng vốn, với 126 triệu USD, đưa tổng vốn tăng thêm cho các dự án lên 1,63 tỷ USD.
Công nghiệp vẫn đang là ngành thu hút lượng vốn lớn nhất, với 7,55 tỷ USD, chiếm 56,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau công nghiệp là các ngành dịch vụ, với 5,65 tỷ USD.
Doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đạt 34,9 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp này cũng đã thu hút thêm 13.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lên 1,25 triệu người.
Hiện Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư số một tại Việt Nam với 3,68 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 29% về số dự án và 28% về tổng vốn đăng ký. Tiếp sau là British Virgin Islands, một quần đảo thuộc chủ quyền Vương quốc Anh và Singapore, với lần lượt 3,5 tỷ USD và 1,55 tỷ USD.
Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của các nhà đầu tư Hàn Quốc ngày càng rõ nét, trải rộng tại các tỉnh thành trong cả nước, đáng chú ý là các dự án của tập đoàn Keangnam và Charmvit tại Hà Nội với tổng trị giá 1,5 tỷ USD, và dự án khu đô thị mới 250 triệu USD tại Đà Nẵng.
Trong số những dự án mới được cấp phép, đáng chú ý có nhà máy lọc dầu Vũng Rô 1,7 tỷ USD của British Virgin Islands tại Phú Yên, 2 dự án khu nghỉ mát cao cấp Laguna và Chân Mây của Singapore, mỗi dự án có số vốn 276 triệu USD tại Thừa Thiên - Huế. TP HCM cũng có hàng loạt dự án địa ốc lớn, như Yon Woon-Vạn Phúc 250 triệu USD, GS Nhà Bè 189 triệu USD.
Ngọc Châu