Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: T.T. |
Trao đổi với báo giới tại buổi ra mắt trang điện tử về tiết kiệm điện sáng 15/3, ông Hùng cho hay EVN không có điện dự phòng nên khi các nhà máy nhiệt điện gặp sự cố là dẫn đến việc cắt điện.
- Thưa ông, năm nào EVN cũng kêu gọi bà con tiết kiệm, đồng thời tuyên bố đầu tư một loạt dự án nhà máy sản xuất..., vậy mà tình trạng thiếu điện vẫn xảy ra?
- Đúng là chẳng có một nhà cung cấp dịch vụ nào lại khuyên khách hàng hạn chế mua hàng của mình cả. Vậy mà EVN vẫn phải kêu gọi tiết kiệm vì quả thực nếu không làm vậy, chúng tôi sẽ phải đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng.
Chúng tôi đang đứng trước rất nhiều thách thức, bởi nhu cầu tiêu thụ điện không ngừng tăng lên.Trong khi đó, nguồn cung của chúng tôi lại có giới hạn. Mấy năm nay hầu như lúc nào chúng tôi cũng sử dụng hết cả nguồn dự phòng. EVN đã huy động tất cả các nguồn, kể cả mua điện với giá đắt vậy mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Đứng trước khó khăn như vậy, không có cách nào hiệu quả và tốt nhất là bằng cách tiết kiệm điện. Nếu chúng ta giảm mức độ tăng trưởng xuống 1% thì chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng 700 triệu kWh mỗi năm. Như vậy đã tiết kiệm được một khoản tiền đủ để đầu tư xây dựng một nhà máy điện.
- Điều này có nghĩa là người dân sẽ chịu cảnh mất điện trong thời gian tới?
- Chúng tôi đã gửi thông báo tới các hộ tiêu dùng về việc sẽ tiết giảm điện vào giờ cao điểm điện. Hiện nay, chúng tôi đang phải mua điện với giá rất cao. Chẳng hạn đối với Nhà máy điện Cà Mau của Tập đoàn Dầu khí VN, chúng tôi đang phải mua với giá 7 cent cho 1kWh (tháng 1), 8 cent trong tháng 2 vậy mà giá bán ra bình quân chỉ khoảng 5 cent. Như vậy với giá bán này mỗi năm chúng tôi lỗ trên 3.000 tỷ đồng, nói cách khác là năm nay chúng tôi làm ăn không có lãi. Nếu như năm ngoái EVN lãi được 3.000 tỷ đồng thì năm nay hết lãi.
- Như vậy tình trạng thiếu điện năm nay sẽ căng thẳng hơn năm ngoái?
- Nếu chúng ta tiết kiệm được 1,5-2% thì chúng ta đảm bảo đủ điện, còn nếu không tiết kiệm thì sẽ thiếu. Tiềm năng tiết kiệm điện thì chúng ta còn nhiều. Hiện nay công nghiệp tăng trưởng 17% nhưng tăng trưởng điện phục vụ cho công nghiệp hơn 19%. Hiệu quả sử dụng điện trong công nghiệp chưa cao nên chúng tôi đã phải đề nghị ngành này tiết kiệm 2% một năm.
Hiện EVN không có điện dự phòng nên khi có sự cố nguồn khí cấp cho Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ, chúng tôi đành phải cắt giảm phụ tải trong hai ngày 15 và 16/3, để đảm bảo hệ thống điện vận hành một cách ổn định, an toàn.
Hầu hết các dự án thủy điện của EVN đều chậm tiến độ. Ảnh: Hoàng Hà.
- EVN vừa trình Bộ Công thương đề án tăng giá điện. Nếu tăng giá, EVN có đảm bảo sẽ đáp ứng đủ điện?
- Chúng tôi chưa dám chắc đảm bảo được điều này. Lộ trình tăng giá điện đã được Thủ tướng phê duyệt là từ 1/7. Hiện chưa có ý kiến chỉ đạo thay đổi lộ trình và chúng tôi vẫn đang xây dựng phương án chi tiết. Cung - cầu thị trường nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các nhà máy điện, hạ tầng, nhu cầu sử dụng của người dân...
Hiện nay tôi đang mua điện 1.500 MW của Nhiệt điện Cà Mau mà nhà máy này lại đang sử dụng khí mua từ nước ngoài. Giá khí đốt đang leo cao nên nước lên thì thuyền lên, ngành điện cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá. Với giá bán hiện hành thì chúng tôi đang lỗ mà là một doanh nghiệp như các bạn thấy nếu lỗ thì chẳng ai làm kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi là cơ quan Nhà nước, giá điện do Chính phủ điều tiết nên các cơ chế là do Chính phủ quyết định.
- Ông nói rằng ngành điện đang lỗ, nếu Chính phủ tuyên bố lùi lộ trình tăng giá điện đến sang năm, hoặc thời điểm xa hơn nữa thì EVN sẽ hoạt động như thế nào?
- Theo tôi đã là hoạt động thì phải rất sòng phẳng, minh bạch. Lỗ thì bảo lỗ, lãi thì bảo lãi. Nếu chúng tôi mua với giá đắt mà bán với giá rẻ thì lỗ là cái chắc. Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ về con số lỗ lãi, còn nếu Chính phủ vì mục tiêu giảm lạm phát mà thay đổi lộ trình tăng giá thì chúng tôi đành chịu.
- Một trong những lý do thiếu điện là các công trình nguồn chậm tiến độ. Tại sao EVN không quyết liệt hơn để xử lý việc này?
- Các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ phần lớn là do các chủ đầu tư. Tôi lấy ví dụ nhiệt điện Uông Bí là một dự án do Lilama thực hiện nên việc chậm tiến độ không phải lỗi của EVN. Hơn nữa, giải pháp kỹ thuật đối với nhà máy điện không đơn giản. Đây là một lò sử dụng than VN và bản thân Lilama cũng đã có rất nhiều cố gắng. Nếu nói việc đẩy nhanh tiến độ nằm ngoài tầm kiểm soát thì không đúng nhưng quả thật có những khó khăn mà chúng tôi buộc phải có thời gian mới xử lý được.
- Nhiều nước có điều kiện tự nhiên để phát điện không thuận lợi như VN nhưng họ lại vẫn thừa năng lượng, còn chúng ta lại luôn trong tình trạng thiếu?
- Đây là một bài toán về đầu tư. Để xây dựng được một nhà máy thì cần khoảng thời gian khá lâu khoảng 5-7 năm kể từ khi khởi công, còn nghiên cứu điều tra thì trước đó hàng chục năm. Chẳng hạn xây dựng được một nhà máy điện 1.000 MW với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng thì phải trình Quốc hội, sau khi được phê duyệt cũng hoàn tất một loạt các thủ tục khác nên không thể là ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, thiếu điện chỉ là trước mắt, chúng ta cố gắng trong thời gian tới, chắc là sau năm 2009 thì sẽ khá hơn.
Hồng Anh ghi