Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: xinhuanet.com. |
Hội nghị ASEM lần thứ 7 được coi là cơ hội quan trọng để hai châu lục Á - Âu đề ra các biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính thông qua đối thoại và hợp tác song phương. Ít nhất 4 phiên họp kín toàn thể sẽ diễn ra trong suốt hội nghị.
Phát biểu trước thềm hội nghị, ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, khẳng định Liên minh châu Âu cần hợp tác chặt chẽ với các nước châu Á để đối phó với cơn bão tài chính toàn cầu. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc góp sức với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực cứu các định chế tài chính.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ không phá giá đồng nhân dân tệ và tiến hành những biện pháp cần thiết để cứu các định chế tài chính quốc tế.
Châu Á và châu Âu từng có kinh nghiệm hợp tác trong việc đối phó với các khó khăn tài chính. Khi cơn bão tài chính hoành hành ở châu Á vào năm 1997, các thành viên tham gia hội nghị ASEM lần thứ 2 tại London vào năm 1998 đã quyết định thành lập quỹ tín dụng Á - Âu để giúp đỡ các nước châu Á khôi phục thị trường tài chính và giảm thiểu tác động xã hội của cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng có mặt tại Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tham dự ASEM. Trong thời gian ở Bắc Kinh, ông Singh sẽ có các cuộc hội đàm song phương với lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Mông Cổ Nambaryn Enkhbayar, Thủ tướng Italy Silvia Berlusconi và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hội nghị ASEM đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan vào năm 1996. Hiện nay các thành viên ASEM gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Pakistan, 10 nước ASEAN, tổng thư ký ASEAN, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu.
Minh Long (theo BBC, IANS)