Trong báo cáo "Korean Esports White Paper 2023" do Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) công bố, tổng giá trị ngành Esports Hàn Quốc ước đạt 1,3 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm trong giai đoạn 2019 - 2023. Đây là một phần quan trọng trong lĩnh vực "nội dung số" - một trong ba trụ cột tăng trưởng kinh tế chiến lược mà chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy bên cạnh công nghệ cao và xuất khẩu văn hóa.
Hai năm sau, vào năm 2025, giá trị của ngành công nghiệp thể thao điện tử Hàn Quốc có thể đạt những kỷ lục mới. Nhưng điều quan trọng nhất là Esports đã được công nhận như một ngành kinh tế thời đại, liên tục phát triển và được yêu thích hàng đầu, song hành cùng K-pop, K-drama và ẩm thực Hàn Quốc.

LOL Park - nhà thi đấu chuyên biệt của giải liên minh huyền thoại LCK tại thủ đô Seoul.
Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Hàn Quốc
Hệ sinh thái Esports tại Hàn Quốc bao gồm nhiều mắt xích, liên kết chặt chẽ với nhau, như: nhà phát triển game (Riot Korea, Smilegate...), tổ chức giải đấu, đội tuyển chuyên nghiệp, streamer, nhà tài trợ, công ty sản xuất nội dung, truyền hình và nền tảng phát sóng như AfreecaTV, Twitch. Chính mối quan hệ cộng sinh phát triển này tạo nên sự vững chắc cho ngành, thay vì sớm nở chóng tàn như một số lĩnh vực khác.
Theo ước tính, Esports tạo ra hơn 15.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp tính đến năm 2023, theo dữ liệu của Viện phát triển công nghiệp văn hóa Hàn Quốc (KICD).
Chính phủ Hàn Quốc từ sớm đã nhìn nhận Esports như một ngành công nghiệp chiến lược. Từ năm 2000, nước này thành lập Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc (KeSPA) để quản lý và phát triển các bộ môn. Gần đây, họ còn triển khai "Kế hoạch hỗ trợ phát triển nội dung số thế hệ mới", với ngân sách hơn 180 triệu USD dành cho các lĩnh vực như AI, game, thực tế ảo và thể thao điện tử.
Không chỉ nhà nước, các tập đoàn tư nhân cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. SK Telecom là nhà bảo trợ của T1 - đội tuyển Liên minh huyền thoại danh tiếng nhất Hàn Quốc, và cũng sở hữu nhiều chức vô địch thế giới nhất. Trong khi một đội khác là Gen.G nhận vốn đầu tư từ các quỹ tại Mỹ và Trung Quốc. Samsung cũng từng sở hữu đội tuyển Samsung Galaxy – nhà vô địch thế giới năm 2017. Sau đó Samsung rút lui để tập trung vào phát triển công nghệ phục vụ ngành game.

T1 - đội tuyển được đầu tư bởi SK Telecom vô địch thế giới 5 lần.
Các giải đấu Esports chuyên nghiệp như LCK, Valorant Champions Tour Korea, hay PUBG Global Series Hàn Quốc thu hút hàng triệu lượt xem toàn cầu, tạo ra dòng doanh thu từ bản quyền truyền hình, tài trợ thương hiệu, bán vé sự kiện, quảng cáo trực tuyến và thương mại điện tử.
Theo thống kê của Riot Games, giải Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc (LCK) đạt hơn 134 triệu giờ xem chỉ riêng trong mùa Xuân 2023. Các tuyển thủ chuyên nghiệp trở thành người của công chúng, có hợp đồng triệu đô, được bảo vệ bởi các công ty quản lý chuyên nghiệp không khác gì thần tượng K-pop. Câu chuyện về "Quỷ vương bất tử" Faker - người được Chính phủ trao tặng visa đặc biệt vì đóng góp cho hình ảnh quốc gia chỉ là một lát cắt trong bức tranh kinh tế rộng lớn mà Esports đang vẽ nên tại xứ Kim Chi.
Tuyển thủ hưởng lương triệu USD
Giống như bóng đá, người chơi thể thao điện tử cũng là những ngôi sao và kiếm được hàng triệu USD mỗi năm. T1 Esports - đội tuyển Liên minh huyền thoại với biểu tượng Faker (Lee Sang-hyeok) được xem là đại diện hoàn hảo cho sự kết hợp giữa thành công thể thao, giá trị thương hiệu và ảnh hưởng văn hóa.
Tính đến năm 2025, T1 đã 5 lần vô địch thế giới và nhiều lần vô địch quốc nội. Theo ước tính từ Forbes và các nguồn truyền thông Hàn Quốc, giá trị thương hiệu của đội tuyển này có thể vượt 100 triệu USD, nhờ vào danh tiếng quốc tế, mạng lưới người hâm mộ toàn cầu, cũng như các hợp đồng tài trợ béo bở với Nike, BMW, Red Bull và Samsung.
Tầm ảnh hưởng của Faker không chỉ dừng lại ở danh xưng "quốc bảo" mà còn lan ra toàn thế giới. Một người không chơi game cũng có thể biết rõ về Faker. Dù mức lương cụ thể không được công khai, giới chuyên môn ước tính tổng thu nhập hàng năm của Faker vượt mốc 6 triệu USD, bao gồm lương cứng, thưởng, bản quyền hình ảnh và hợp đồng quảng cáo.

Một người hâm mộ giơ cao tấm biến có nội dung "Huyền thoại SKT Faker không bao giờ chết" tại một giải đấu.
Các đội tuyển khác như Gen.G, KT Rolster, Dplus KIA (tiền thân là DWG KIA) hay Hanwha Life Esports cũng sở hữu đội hình với giá trị chuyển nhượng và lương thưởng khổng lồ. Theo một số tiết lộ không chính thức từ báo chí Hàn Quốc, hợp đồng giữa Gen.G và tuyển thủ Chovy năm 2024 có thể trị giá hơn 7 triệu USD/3 năm - một con số làm lu mờ nhiều ngôi sao bóng đá quốc nội.
Để duy trì đẳng cấp, các đội tuyển áp dụng mô hình vận hành chuyên nghiệp tương tự CLB thể thao truyền thống. Họ ăn ở, luyện tập tại trung tâm riêng, có đội ngũ huấn luyện viên chiến thuật, HLV tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng và phục hồi thể chất. Thời lượng luyện tập mỗi ngày dao động từ 10 đến 14 tiếng, với cường độ và kỷ luật nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, Esports tại Hàn Quốc cũng đang phát triển mạnh mô hình đào tạo trẻ. Các đội như T1, Gen.G hay DRX đều có học viện đào tạo (academy) riêng, tuyển chọn tài năng từ độ tuổi 14 -16. Ngoài ra, nhiều trường đại học hàng đầu như Chung-Ang, Korea University đã mở chuyên ngành Esports chính quy, đào tạo cả tuyển thủ, HLV lẫn quản lý vận hành ngành công nghiệp game.
Trò chơi điện tử hay biểu tượng văn hóa mới của Hàn Quốc?
Sự phát triển của Esports xứ Kim Chi không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xuất khẩu văn hóa "Hallyu 2.0" của quốc gia này. Trong hơn hai thập niên qua, thể thao điện tử đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong làn sóng Hallyu.
Các tuyển thủ Esports được yêu thích không kém gì những ngôi sao giải trí. Fan hâm mộ đến từ Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và cả Việt Nam sẵn sàng bay sang Hàn Quốc để dự khán các trận đấu tại LOL Park - nhà thi đấu chuyên biệt của LCK tại Seoul. Tại các kỳ chung kết thế giới, đặc biệt là khi tổ chức tại Hàn Quốc như năm 2018 và 2023, lượng khách quốc tế đổ về đã góp phần tăng doanh thu du lịch và quảng bá hình ảnh quốc gia. Theo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hàn Quốc, riêng kỳ CKTG 2023 đã tạo ra doanh thu trực tiếp và gián tiếp hơn 50 triệu USD chỉ trong vòng một tháng.

Các khán giả Việt Nam sang Hàn Quốc du lịch kết hợp xem thi đấu Liên minh huyền thoại. Ảnh: Tổng cục du lịch Hàn Quốc
Tầm ảnh hưởng của Esports Hàn Quốc còn lan rộng đến toàn bộ châu Á. Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đều đang mô phỏng mô hình đào tạo tuyển thủ, vận hành giải đấu và phát triển học viện Esports theo cách mà Hàn Quốc đã đi trước. Không ít tuyển thủ quốc tế cũng đến đây tập huấn, giống như những vận động viên sang châu Âu rèn luyện bóng đá.
Ở góc độ xã hội, Esports Hàn Quốc cũng dần thay đổi định kiến về nghề "chơi game". Giới trẻ Hàn Quốc nay có thể theo đuổi con đường chuyên nghiệp một cách bài bản, được gia đình ủng hộ và xã hội công nhận, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động truyền thống ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Hàm Hương