Ở chợ đầu mối thịt lợn Phạm Văn Hai hôm nay, giá hàng đã giảm bình quân 5.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Sức mua cũng chậm hơn 1/3.
Chợ Bến Thành, nhiều người mua hàng đòi hỏi thịt lợn phải có dấu kiểm dịch tím của cơ quan thú y mới chịu trả tiền. "Bằng mắt thường không thể biết được lợn có bị nhiễm bệnh hay không, người tiêu dùng như chúng tôi buộc phải tin vào các dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng", bà Đỗ Thanh Hồng Hoa, khách mua thịt chợ Bến Thành nói.
Hầu hết các siêu thị tại TP HCM đã tăng cường khoảng 30% lượng thịt sạch cung cấp hằng ngày ra thị trường do nhu cầu tiêu thụ cao. Bà Võ Thị Ngọc Diệu, trưởng ngành hàng đông lạnh siêu thị Maximark ở đường 3/2, nói, sức tiêu thụ mạnh hơn thường lệ nên siêu thị phải gọi hàng bổ sung trong ngày. Còn hệ thống siêu thị Saigon Coop thì yêu cầu nhà cung cấp tăng thêm gấp rưỡi lượng thịt lợn.
![]() |
Thịt lợn tiêu thụ ở TP HCM có nguồn cung cấp từ Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An... Ảnh: P.A. |
Ông Văn Đức Mười, Giám đốc Công ty Vissan cũng cho biết, nhà cung cấp thịt gia súc gia cầm này đã tăng hàng dự trữ lên gấp đôi để phục vụ nhu cầu thị trường, không điều chỉnh giá. Hiện nay Vissan chiếm đến khoảng 80% thị phần thịt sạch tại TP HCM.
Song, Vissan cũng phải đối mặt với yêu cầu kiểm dịch kỹ nguồn lợn giết mổ cung cấp cho công ty. Hai ngày qua, công ty này đã phải làm việc trở lại với các trang trại cung cấp lợn thịt để giám sát chất lượng; đồng thời hủy các đơn hàng đã có với những hộ nuôi nhỏ, lẻ nếu phát hiện lợn có dấu hiệu bệnh. "Nếu mua thịt lợn trôi nổi, công ty không thể kiểm soát được chất lượng", một phó giám đốc Vissan cho biết.
Lợn bệnh đã "lọt" vào TP HCM
Khuyến cáo của Trung tâm thú y vùng TP HCM, người dân chỉ nên mua thịt lợn đã có dấu kiểm dịch của thú y. Đồng thời nấu chín kỹ, vệ sinh tiệt trùng cẩn thận. Trại chăn nuôi phải được tẩy trùng, lợn tiêm chủng đầy đủ. Theo Trung tâm thú y vùng TP HCM, lợn bị bệnh tai xanh, còn gọi là bệnh PRRS, không thể phân biệt với thịt sạch bằng mắt thường. Bệnh cũng dễ dàng lây lan qua đường hô hấp với các gia súc trong đàn. Đối với người, bệnh tai xanh của lợn có thể ảnh hưởng vì vi khuẩn có thể gây nên bệnh tụ cầu khuẩn. Khi đó vi khuẩn xâm nhập nhanh vào cơ thể người, đặc biệt qua các vết thương, có thể ảnh hưởng đến não. Hiện đã có hơn 20 người bị nhiễm bệnh tụ cầu khuẩn có liên quan đến bệnh tai xanh của lợn, 2 người đã chết. |
Khả năng không thể kiểm soát được chất lượng thịt lợn trên địa bàn thành phố cũng đang là nỗi lo của các cơ quan thú y. Hôm nay Trung tâm thú y vùng TP HCM cũng gửi văn bản đến cơ quan chức năng các tỉnh lân cận, yêu cầu phối hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tính toán của Trung tâm thú y vùng TP HCM, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 5.000 con lợn. Lượng lợn đang được chăn nuôi trên địa bàn thành phố chỉ khoảng 200.000 con. Do đó, nguồn cung cấp chính từ các tỉnh lân cận mà nhiều nhất là Đồng Nai - vùng chăn nuôi đến 1,5 triệu lợn thịt.
Thế nhưng, trong khi Quảng Nam cấm xuất lợn bệnh ra ngoài, lợn Quảng Ngãi, Bình Định đang chạy vào Nam để tìm thị trường tiêu thụ. Vì giá rẻ, nhiều người buôn hàng sẵn sàng nhận tiêu thụ lợn bị dịch bệnh để kiếm lời.
Mới đây Chi cục Thú y TP HCM đã phát hiện được 5 trường hợp lợn có dấu hiệu bệnh tai xanh hoặc không có giấy phép kiểm dịch từ miền Trung được nhập vào địa bàn thành phố. Hầu hết đều được vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe máy hoặc xe ba gác. Số lợn này bị tịch thu và tiêu hủy.
Phó Chi cục trưởng Thú y thành phố Phan Xuân Thảo cho hay, TP HCM đang ở trong tình thế báo động, cảnh giác cao để chống dịch lợn tai xanh. Thú y thành phố đã thông báo rộng rãi, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của người buôn bán hay chăn nuôi, nếu phát hiện chỉ một con trong đàn bị nhiễm bệnh tai xanh.
Trong đó, tỉnh Đồng Nai được các tỉnh thành xung quanh, đặc biệt là TP HCM xem như chốt chặn quan trọng đối với lợn bệnh miền Trung vào miền Đông Nam bộ, từ đó xâm nhập sâu về miền Tây.
Hội nghị thú y vùng 6 (từ Bình Thuận vào miền Đông Nam bộ) hôm qua cũng đã chốt lại 4 cửa ngõ chống dịch, không cho lợn bệnh chạy vào Nam bộ. Đó là lập trạm kiểm dịch tại Ninh Thuận, Bến Cà Đủ (Bình Thuận), ở Bến Ông Đồn (Đồng Nai) và cửa ngõ TP HCM.
Trước đó, lực lượng phối hợp 4 bên gồm Chi cục quản lý thị trường, Chi cục thú y, Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong đã kiểm tra đột xuất 3 xe vận chuyển lợn từ Bình Định vào Đồng Nai. Phó giám đốc Trung tâm thú y vùng TP HCM Nguyễn Xuân Bình cho biết, mỗi xe chở ít nhất 150 con lợn, bằng mắt thường không thể kiểm tra xuể liệu lợn có mang mầm bệnh hay đã nhiễm dịch hay chưa.
Ông Hoàng Sơn Hải, Chi Cục trưởng thú y Đồng Nai cũng nói, các đơn vị kiểm dịch chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên trong đàn lợn cần kiểm tra để mang đi xét nghiệm. Nếu kết quả cho thấy lợn nhiễm bệnh thì mới biết và có quyết định tiêu hủy. "Tuy nhiên nếu chủ hàng vận chuyển không xuất trình được chứng từ kiểm dịch cho lô hàng thì sẽ bị tịch thu, tiêu hủy ngay", ông Hải nhấn mạnh.
Phan Anh