- Hiện tại, TP HCM có rất nhiều sân khấu hài, vì sao nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lại ra mắt thêm "CLB sân khấu cải lương hài"?
- Chúng tôi muốn lập CLB này từ 2 năm nay rồi nhưng vì chưa có đủ điều kiện nên cứ lần lữa. Đến lúc này, nhà hát tập hợp được một đội ngũ nghệ sĩ cộng tác. Các anh em đều đồng tình ra mắt thêm một sân khấu mới vì đây là cơ hội mang đến cho khán giả thêm một món ăn tinh thần.
- Theo quan niệm từ trước đến nay, hài là hài, còn cải lương là cải lương. Trong hầu hết các vở cải lương, hài chỉ là "gia vị". Còn ở CLB do nhà hát Trần Hữu Trang ra mắt, hai yếu tố này được đặt cân bằng, ông nghĩ khả năng thành công của các vở diễn đến mức nào?
- Rất nhiều nhà hát khác có sân khấu hài để phục vụ khán giả, thì không vì lý do gì nhà hát Trần Hữu Trang không lập được sân khấu như thế. Đúng là cái tên "Sân khấu cải lương hài" nghe khá lạ tai. Tuy nhiên, qua tên này, chúng tôi muốn khẳng định các vở diễn của CLB sẽ luôn mang đến tiếng cười cho khán giả.
Các vở diễn không chỉ sướt mướt, ai oán mà đan xen khéo léo với các tình huống gây cười. Chúng tôi không chủ trương làm chập cải lương hay diễn tiểu phẩm qua loa, mà muốn dàn dựng những vở cải lương thực sự. Và nhất là phải đảm bảo mang đến cho người xem tiếng cười "sạch".
NSƯT Quốc Hùng, giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: A.V. |
- Nghệ sĩ hài hiện nay chạy sô rất dữ, lại thêm kịch bản cho hài khan hiếm, kịch bản cải lương mới cũng không nhiều, ông tính duy trì hoạt động của CLB bằng cách nào?
- Nhà hát Trần Hữu Trang ứng trước hơn 40 chục triệu đồng cho một dàn diễn viên, nghệ sĩ chuẩn bị suất diễn đặc biệt cho ngày ra mắt. Số tiền không nhiều nhưng các anh em đang làm việc với tinh thần rất nhiệt tình. Tất nhiên là còn nhiều khó khăn vì hiện tại chưa biết phản ứng và sự đón nhận của khán giả như thế nào. Nhưng khi nghe anh Trung Dân, anh Hoài Linh tâm sự, các nghệ sĩ sẽ làm hết sức mình cho "mái nhà chung, công trình chung" này, tôi thấy yên tâm.
Trước mắt, CLB phục vụ khán giả mỗi tối thứ tư hàng tuần. Chỉ có một đêm, chắc chạy sô ở đâu thì anh em cũng nhớ chạy về diễn cho sân khấu. Còn khâu kịch bản, tôi cũng đang đặt hàng để làm sao không bị hụt vở. Thêm vào đó, nguồn kịch bản cải lương cũ mang đậm yếu tố hài cũng không phải là ít.
- Đứng góc độ một khán giả chứ không phải nhà quản lý, ông nhận xét gì sân khấu hài TP HCM?
- Tính vốn hài hước sẵn nên tôi thường mua vé xem các sân khấu hài. Thú thực, nhiều sân khấu hài của thành phố bây giờ sa đà vào chọc cười khán giả với ngôn ngữ dung tục. Ở sân khấu phía Bắc, tiếng cười sâu sắc và ý nhị hơn nhiều. Đôi lúc tôi thấy tự ái cho nghệ sĩ hài Nam Bộ lắm chứ. Ngày trước cái duyên hài miền Nam cũng rất ý nhị, nhưng càng ngày, nét duyên đó càng nhạt đi.
- Các năm trước, vào thời gian này, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã rục rịch chuẩn bị cho vở cải lương hoành tráng cuối năm, nhưng năm nay thì lặng tiếng, vì sao thế?
- Qua hai lần thực hiện Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, chúng tôi thấy không thể tiếp tục nữa vì từ công tác tổ chức đến huy động tài trợ cực quá. Chỉ khi nào có nguồn tài chính ổn định và thần kinh thép mới làm nổi những chương trình như thế.
Năm ngoái, với vở Chiếc áo thiên nga, chúng tôi dự tính chỉ chi khoảng 800 triệu đồng, nhưng con số khi vào thực tế đã vượt lên 3,8 tỷ. Mùng 8 Tết khai mạc vở mà đến mùng 7 chúng tôi chỉ mới thu kịp có 1 tỷ đồng tài trợ. Đến tận bây giờ, khi ngủ tôi còn bị giật mình thảng thốt vì nỗi lo tiền bạc trong dự án này.
- Không tiếp tục triển khai vở cải lương hoành tráng năm nay đồng nghĩa với việc thử nghiệm của nhà hát dành cho cải lương đã không thành công như dư luận gần đây nhận xét, ông nghĩ sao?
- Nếu chạy theo dư luận thì sẽ luẩn quẩn. Qua hai vở cải lương tiền tỷ, chúng tôi phân tích, gạn lọc và thấy đây là những thể nghiệm, nên nhận được nhiều đánh giá, nhận xét trái chiều là đương nhiên.
Hai vở cải lương này đã thành công về mặt chuyên môn. Dù thế nào cũng đã gây được tiếng vang về độ quy mô và hoành tráng. Chúng tôi thực hiện dự án này do quá nóng ruột cho hiện trạng cải lương hôm nay: Sân khấu thì ọp ẹp, cơ sở vật chất thì không có, rạp chưa xây xong. Những thử nghiệm trên tất cả là vì nghệ thuật cải lương chứ không vì bất cứ mục đích gì khác.
- Ông nhận xét gì về tình cảm của khán giả dành cho cải lương trong giai đoạn hiện tại?
- Những năm gần đây, khán giả đến với sân khấu cải lương tương đối ổn định, không ồ ạt cũng không thưa vắng. Lòng mộ điệu mà họ dành cho cải lương là có thật và không mất đi.
20h ngày 18/6, tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trình diễn suất cải lương hài Đứa con tiền kiếp với sự góp mặt của các danh hài: Hoài Linh, Cát Phượng, Trinh Trinh, Minh Béo, Trung Dân, Quốc Thuận, và các diễn viên Khánh Tuấn, Hoàng Quốc Thanh, Trinh Trinh, Phi Nga... Khẩu hiệu cho vở diễn này là "Vui hết cỡ. Cười hết ga!". Vở do nghệ sĩ Nguyên Đạt làm đạo diễn. Đây là suất diễn ra mắt CLB sân khấu cải lương hài đầu tiên của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tại TP HCM. Nhà hát dành cho khán giả các ưu đãi như: miễn phí giữ xe, giảm giá vé cho học sinh sinh viên, tặng đĩa của các diễn viên, nghệ sĩ cho khán giả đến xem. |
Thoại Hà thực hiện