Nếu bệnh nhân được chẩn đoán đứt bán phần dây chằng chéo trước (ACL) và được điều trị bảo tồn thì khả năng trở lại thể thao nhẹ nhàng là bao nhiêu và phương pháp tập luyện như thế nào? (Minh An Hà)
Trả lời:
Đứt bán phần dây chằng chéo trước là một chấn thương thường gặp. Khi đi khám, phần lớn kết luận dựa trên kết quả của phim MRI, nhưng thực tế dây chằng bị đứt hay không bác sĩ cần khảo sát sau. Đối với những bệnh nhân mới bị chấn thương dây chằng, khi chụp MRI, đầu gối thường bị sưng to và tụ dịch, tụ máu. Dịch này che mờ một phần sợi dây chằng phía trước, có xu hướng tạo ra kết quả "dương tính giả" là đứt bán phần dây chằng mà thực tế có thể không bị. Đây là trường hợp chúng tôi rất thường gặp. Để kiểm tra kỹ, người bệnh cần thăm khám bác sĩ, test lâm sàng, từ đó kết luận chính xác là tổn thương gì.
Nếu bị bán đứt dây chằng và không phẫu thuật, bạn vẫn có thể chơi thể thao, nhưng chỉ phù hợp với các môn nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe không chuyên nghiệp. Bạn nên tránh những môn thể thao đối kháng như bóng rổ, bóng chuyền hoặc đá bóng. Chúng khiến vùng đầu gối dễ bị chấn thương hơn lúc di chuyển, xoay hoặc đổi hướng đột ngột, thậm chí dây chằng sẽ bị đứt hoàn toàn.
Nếu bạn muốn mổ, có hai phương pháp. Thứ nhất, thay mới hoàn toàn dây chằng bằng phương pháp cổ điển, tức là cắt bỏ hoàn toàn dây chằng phía trước, sau đó lấy hai đoạn gân tự thân của mình thay thế, tái tạo thành sợi dây chằng chéo trước. Thứ hai, nếu bạn phẫu thuật trong vòng 21 ngày hoặc 2 tháng đầu kể từ khi bị đứt dây chằng, bác sĩ sẽ nối lại dây chằng cho bạn, có nghĩa là nối lại bó bị đứt, bó còn lại vẫn giữ nguyên, điều này có thể giúp sợi dây chằng phục hồi gần như cũ.
21 ngày là thời gian vàng để nối dây chằng. Sau 21 ngày, đầu dây chằng sẽ co rút, độ dài không đủ, hai điểm tiếp xúc của chỗ đứt không thể tiếp xúc với nhau và hầu như khó phục hồi hoàn toàn. Đó là lý do vì sao chúng tôi khuyến nghị bệnh nhân nên cấp cứu dây chằng trong 21 ngày.
ThS.BS Trần Anh Vũ
Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM