Từ Trường Nguyên sinh năm 1955 trong gia đình làm nông nghèo khó tại Trang Hà, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Nguyên là anh cả, có bốn em trai và một em gái. Năm 17 tuổi, sau khi mẹ qua đời, Nguyên phải bỏ học đi làm trong tổ sản xuất để kiếm tiền phụ bố. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, chỉ sau hai năm, ông ta được bầu làm phó chủ nhiệm kiêm phó bí thư Đảng ủy công xã.
Để phát triển sự nghiệp chính trị, Nguyên đi học lớp nâng cao dành cho cán bộ, học thêm quản lý kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, ông ta được điều động làm giám đốc nhà máy bao bì khi chưa đầy 30 tuổi. Năm 1994, Nguyên được thị trưởng thành phố Trang Hà chú ý, tuyển làm trợ lý.
Hai năm sau, Nguyên làm Phó thị trưởng thành phố Trang Hà. Được giao thực hiện dự án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Nguyên nhận hối lộ liên tục, đồng thời lợi dụng quyền lực để chia phần cho các em.
Năm 2001, Nguyên trở thành thị trưởng thành phố Trang Hà. Cùng với con đường thăng tiến suôn sẻ, ông ta cũng xây dựng được "giang sơn" cho nhà họ Từ, biến một gia đình nhiều đời làm ruộng thành hệ thống doanh nghiệp khổng lồ.
Nguyên bỏ tiền cho em trai thứ ba là Từ Trường Ba thành lập Công ty dịch vụ logistics Trường Ba, là công ty mẹ của hơn 20 xí nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như buôn bán ôtô, cầm đồ, bất động sản, vật liệu xây dựng. Mỗi em trai của Nguyên đều đứng tên vài công ty dưới trướng, mục đích thực chất là rửa tiền.
Dưới sự chỉ đạo của Nguyên, các em trai tìm người bao vây địa điểm đấu thầu của Cục Đất đai và Tài nguyên, đe dọa những công ty tham gia: "Ai dám đấu giá sẽ chặt tay".
Em trai Nguyên mở một sòng bạc trong công ty ôtô Trường Ba, vừa kiếm tiền cho nhà họ Từ vừa có thể thông qua cờ bạc để công khai nhận hối lộ. Xe cảnh sát thường đậu trước cửa sòng bạc, thể hiện nơi này có bảo kê. Nhà họ Từ còn thu nhận nhiều kẻ lưu manh ham cờ bạc để thành lập "thế lực ngầm".
Anh em Nguyên kiếm nhiều tiền và bất động sản từ cho vay nặng lãi. Nhóm côn đồ dưới trướng dùng nhiều thủ đoạn bạo lực để đòi nợ như bắt cóc, tống tiền, chặt ngón tay, thậm chí khiến một nạn nhân bị xe cán tử vong khi trốn truy đuổi.
Năm 2005, Nguyên giữ chức Thị trưởng thành phố Ngõa Phòng Điếm kiêm chủ nhiệm Ủy ban quản lý Khu công nghiệp Lâm Cảng của đảo Trường Hưng. Một năm sau, ông ta giữ chức Bí thư Thành ủy Ngõa Phòng Điếm. Đến năm 2008, Nguyên trở thành cán bộ cấp thành phố của Đại Liên. Ông ta chưa thỏa mãn với số tài sản đã có mà bắt đầu nhắm đến nguồn tài sản của quốc gia.
Nguyên nhờ bạn tên Vương Hải mở công ty "ma", dùng quyền lực của mình để bán một mảnh đất thuộc sở hữu nhà nước cho công ty này với giá rẻ. Dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nguyên bảo Hải đi thế chấp ngân hàng, vay được 4,8 tỷ nhân dân tệ trong vòng ba năm. Số tiền chảy vào tài khoản của anh em Nguyên, dùng để cho vay nặng lãi và họ kiếm được một tỷ nhân dân tệ trong thời gian ngắn.
Một doanh nghiệp cho biết đã vay hàng trăm triệu nhân dân tệ từ nhà họ Từ. Nguyên lo lắng số tiền này không thu hồi được nên bảo em trai trợ giúp, dùng mảnh đất đã thế chấp ngân hàng để lừa 320 triệu nhân dân tệ tiền vốn của chính phủ. Phần lớn số tiền rơi vào túi nhà họ Từ, công ty cũng thu được hàng chục triệu nhân dân tệ.
Năm 2009, Nguyên lợi dụng chức vụ biết được kế hoạch trưng dụng đất đai của chính phủ, cùng em trai thứ tư là Từ Trường Uy nghĩ ra cách lừa 900 triệu nhân dân tệ tiền bồi thường.
Trong nhiều năm nhà họ Từ hoành hành ở Đại Liên, vô số người muốn vạch trần họ, trong số đó có người bị uy hiếp, bị mua chuộc, có người vẫn nỗ lực đấu tranh suốt mấy năm nhưng tiếng nói của họ luôn bị trấn áp trong chính quyền địa phương.
Khi hoạt động chống tội phạm và chống tham nhũng của quốc gia ngày càng ráo riết, Nguyên cảm nhận được nguy cơ. Để tránh họa lớn, Nguyên chủ động nộp một ít tiền hối lộ, thú nhận nhất thời nghĩ quẩn nên đi lầm đường, xin giao nộp để đỡ cắn rứt lương tâm. Trong thời gian đó, ông ta cũng nhắc nhở người nhà hành sự kín đáo, cẩn trọng.
Năm 2015, ở tuổi 60, Nguyên nhanh chóng xóa bỏ chứng cứ về những việc phạm pháp đã làm, sau đó hoàn tất thủ tục nghỉ hưu. Ông ta thở phào nhẹ nhõm khi "hạ cánh an toàn". Sau đó, Nguyên trở thành Chủ tịch Ủy ban của tập đoàn Trường Ba, quản lý tất cả công ty của nhà họ Từ.
Khi Nguyên tưởng đã không còn nguy hiểm, cơ quan chức năng bắt đầu điều tra ông ta. Sau hơn một năm, Nguyên chính thức bị bắt, tháng 12/2018. Nhà chức trách mất thêm hai năm nữa để nắm trong tay toàn bộ hồ sơ kinh doanh của nhà họ Từ và bằng chứng phạm tội của Nguyên.
Cơ quan tư pháp gặp nhiều trở ngại trong quá trình thu thập chứng cứ, vì thế lực của nhà họ Từ đã ăn sâu bén rễ vào Đại Liên. Dù Nguyên đã về hưu, thậm chí bị bắt, nhiều người vẫn e ngại không dám tố giác.
Theo điều tra, Nguyên cùng đồng bọn nắm giữ 2.714 bất động sản với tổng diện tích 433.000 m2, sở hữu 142 xe hơi sang trọng, tổng tài sản giá trị tới hàng chục tỷ nhân dân tệ. Trong thời gian nắm quyền, số tiền hối lộ Nguyên thu hơn 94 triệu nhân dân tệ, lừa đảo cho vay ba tỷ nhân dân tệ. Số lượng tài sản đồ sộ, được che giấu tinh vi khiến nhà chức trách gặp khó khăn lớn trong việc xác định và thu hồi.
Đại diện Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Liêu Ninh cho biết: "Dấu chân của ông ta đi đến đâu, thế lực và công việc kinh doanh của gia tộc sẽ xâm nhập theo đến đó".
Ngày 27/9/2020, Từ Trường Nguyên bị kết án tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân vì nhiều tội danh bao gồm cầm đầu, tổ chức xã hội đen, lừa đảo, nhận hối lộ.
Từ Trường Uy cũng bị phạt tù chung thân, bốn người em khác bị kết án từ 2 năm đến 25 năm tù.
Trong một cuộc phỏng vấn trong tù, ông Nguyên nói điều hối hận nhất là không nghe lời mẹ dặn chăm sóc tốt cho các em mà dẫn tất cả vào con đường tù tội.
Tuệ Anh (Theo CCTV, 163)