Ba ngày nay, 44 lối vào phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) đều có chốt chặn; nhiều lối ra vào được chặn bằng thùng container, khối bê tông.
Chiều 30/7, lãnh đạo phường Long Biên cho biết do lực lượng mỏng nên phường chỉ lập được tám "chốt mềm", có barie và người trực thường xuyên, người dân bên trong các khu dân cư khi ra ngoài trong trường hợp cần thiết sẽ phải đi qua các chốt mềm này; còn lại là các "chốt cứng", hạn chế qua lại.
Những ngày này, hai ngõ trên đường Cổ Linh rẽ vào phố Trạm (phường Long Biên) đều có chốt cứng với hai xe tải, gạch, cống nước chắn ngang đường. Người dân đi xe máy, xe đạp không thể lọt qua.
Chị Lưu Thị Hồng Vân đi từ trong khu dân cư của phố Trạm ra ngoài gặp phải "chốt cứng" dựng bằng sáu cống nước nên phải quay đầu. Chị Vân cho hay từ hôm qua đã biết vị trí chốt này nhưng quen đường nên vẫn đi vào.
"Đi qua chốt cứng này ra ngoài chỉ hơn 500 m nhưng giờ tôi phải đi vòng mất hơn 2 km, khá bất tiện nhưng để chống dịch đành chấp nhận", chị Vân nói.
Đối diện "chốt cống nước" là chốt được dựng bằng thùng container chắn ngang đường. Chốt này dựng cuối đường của một khu phố có khoảng 10 hộ gia đình.
Tại huyện Chương Mỹ, trong đêm 29/7 chính quyền lập 377 chốt, gồm 133 chốt liên xã, 244 chốt liên thôn với tổng số người tham gia trực là hơn 3.800. Trong đó, riêng thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, có 9 chốt kiểm soát các đường đi ra thôn khác với ba chốt cứng và sáu chốt mềm. Chốt cứng dựng bằng cành cây, tre nứa ngăn người dân qua lại; chốt mềm có người trực để kiểm tra giấy tờ.
Phía đối diện các chốt của thôn Chúc Lý, cách 7 m là chốt khác của thôn Ngọc Giả. Thôn cử hai hội viên của hội phụ nữ và hội nông dân trực tại đây, kiểm tra lý do ra ngoài của người trong thôn. Chỉ những người có giấy thông hành mới được đi qua; những người từ nơi khác được yêu cầu không vào trong.
Chị Trịnh Thị Hà, 37 tuổi, thôn Chúc Lý, cho biết cách đây 4 ngày được công ty cấp giấy đi đường để qua các chốt. "Từ nhà đến nơi làm nếu đi đường tắt thì gặp ba chốt, đi đường lớn phải qua một chốt", chị nói.
Thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) có hơn 1.700 dân, chỉ có một tuyến đường liên xã, không có đường cấp huyện. Nhà chức trách lập ba chốt kiểm soát ra vào của thôn này. Các chốt được dựng bằng tre, nứa, lực lượng kiểm soát ở nhờ trong nhà dân cạnh đó.
Các công nhân trọ ở thôn Nam Hài muốn đi làm tại khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa) phải đi qua bốn đến năm chốt kiểm soát của ba xã mới đến được công ty. "Những ngày gần đây tôi phải đi sớm khoảng 30 phút để không bị muộn, hôm nào vắng người thì thuận lợi, những hôm đông thì việc khai báo rất mất thời gian", một công nhân nói.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, cho biết toàn xã có 21 chốt kiểm soát, hiện đã cấp hơn 200 giấy xác nhận đi đường cho công nhân, người buôn bán hàng thiết yếu.
"Xã nhận được phản hồi của một số người dân về việc gặp phải nhiều chốt kiểm soát trên đường, gây phiền phức. Tuy nhiên, trong tình huống dịch bệnh, chúng tôi đã giải thích để người dân đồng lòng chống dịch", ông Thắng nói.
Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 24/7.