Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Khoản 1 Điều 466 Bộ luật này cũng quy định: “Bên vay tài sản là tiền phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo quy định trên, khi bạn vay tiền có thỏa thuận về lãi suất thì phải trả đủ tiền và phải trả cả lãi theo thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật này: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác... Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này, mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Theo thông tin bạn cung cấp (tiền gốc 60 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, tổng lãi và gốc lên tới 99 triệu đồng), tính ra mức lãi suất mà bạn và bên tổ chức tín dụng thỏa thuận vượt quá 20%/năm, như thế mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực. Bạn sẽ không phải trả hết số tiền trên mà chỉ phải trả nợ gốc và mức lãi suất 20%/năm, tương đương 3.500.000 đồng/tháng.
Bạn có nghĩa vụ phải trả đủ tiền cho tổ chức tín dụng khi đến hạn trả. Việc tổ chức tín dụng yêu cầu bạn trả đủ tiền trong tháng thì đến hạn trả là đúng quy định của pháp luật.
Nếu bạn không trả đủ tiền khi đến hạn là trái quy định của pháp luật, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho vay có thể khởi kiện yêu cầu bạn trả đủ tiền và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội