Sáng 15/3, hàng nghìn người đã tham dự đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân bị thảm sát tại Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Bốn mươi năm trước, vào ngày 16/3, 504 thường dân Việt Nam đã bị binh sĩ Mỹ sát hại.
Buổi lễ diễn ra tại khu chứng tích Sơn Mỹ. Tham gia cầu siêu có 60 vị hoà thượng, thượng tọa và 1.000 tăng ni, phật tử thuộc các tịnh viện, tịnh xá, tịnh thất phật đường trong tỉnh Quảng Ngãi.
Đại diện tỉnh Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh và hàng trăm gia đình nạn nhân ở Sơn Mỹ và hơn 10 đoàn nhà báo quốc tế, cùng hàng nghìn du khách trong nước, quốc tế, có cả các cựu binh Mỹ cũng tham dự.
Trong số những người cầu siêu có bà Hà Thị Quý, 83 tuổi, một nhân chứng sống sót. Bà vẫn còn chưa nguôi căm giận. Lính Mỹ thuộc đại đội Charlie đã bắn vào chân bà, giết mẹ của bà cùng đứa con gái 16 tuổi, con trai 6 tuổi. Chồng bà sau đó chết vì vết thương, một con trai khác thì mất một chân và một tay. Bà sống sót nhờ ẩn dưới một đống xác chết.
Bà Hà Thị Quý cầu mong đừng bao giờ xảy ra những Sơn Mỹ khác. Ảnh: AP. |
“Chính phủ Mỹ nên dừng gây ra các cuộc chiến như đã làm ở Việt Nam”, bà nói. “Các con tôi đều vô tội, vậy mà đám lính Mỹ đó vẫn giết chúng”.
Vào ngày kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát 504 thường dân Việt Nam, cựu xạ thủ trực thăng Lawrence Colburn trở lại Mỹ Lai và gặp “đứa trẻ” mà ông cứu thoát khỏi đám lính Mỹ điên cuồng.
Ngày đó Colburn là thành viên của đội bay 3 người cùng phi công Hugh Thompson và chỉ huy Glenn Andreotta trên chiếc trực thăng vũ trang. Khi đang bay trên vùng này, họ phát hiện thường dân đang bị lính Mỹ giết hại. Thompson đã đáp trực thăng xuống giữa những người dân và binh lính. Colburn cùng Andreotta yểm trợ, còn Thompson kêu gọi lính đại đội Charlie ngừng bắn.
Họ tìm thấy Đỗ Ba, 8 tuổi, đang ôm xác mẹ ở dưới một con mương đầy máu và xác của hơn 100 người nữa. Hầu hết số này là phụ nữ, trẻ em và người già, tất cả là thường dân.
Đỗ Hòa và Colburn thắp hương mộ những người đã khuất. Ảnh: AP. |
Ngày nay Đỗ Ba có tên là Đỗ Hòa, 48 tuổi, có vợ và một con gái 14 tháng tuổi. Anh đang làm cho một nhà máy điện tử. “Anh ta đã biến đổi, không còn là một người cô độc, suy sụp nữa. Giờ anh ta hoàn thiện rồi. Ba là ví dụ hoàn hảo cho tinh thần con người, cho ý chí sống”, Colburn nói.
Anh và Colburn đã gặp lại nhau lần đầu năm 2001, khi ấy anh vẫn độc thân, bị ám ảnh bởi ký ức Mỹ Lai. Từ đó đến nay đã rất nhiều thay đổi. “Tôi rất mừng Mỹ và Việt Nam đã thành bạn bè”, Ba nói. “Nhưng tôi vẫn còn căm ghét những tên lính đã giết chết mẹ tôi, anh tôi và chị tôi”.
Trước khi William Calley, trung úy thuộc đại đội Charlie, bị xử 22 năm vì tội giết 22 người ở Mỹ Lai, quân đội Mỹ thực ra đã hoàn thành cuộc điều tra riêng (và bí mật) về sự kiện xảy ra tại đây, đặc biệt về khả năng có sự che giấu một vụ thảm sát. 1/12/1969, Ban điều tra sơ bộ của quân đội về vụ Mỹ Lai (thường gọi tắt là Peers Inquiry, theo tên người đứng đầu là tướng William 'Ray' Peers) được thành lập. Trong 14 tuần, Peers Inquiry đã tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ này. Họ phỏng vấn hơn 400 nhân chứng, lời khai đều được ghi âm. Khi cuộc điều tra đi đến kết luận, vào 15/3/1970, các cuộn băng được đóng gói, lưu kho và bị quên lãng. Năm 1987, chúng được chuyển đến Cục lưu trữ quốc gia Mỹ, như một phần nhỏ trong đống hồ sơ về các hoạt động của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Chúng được giữ kín, chưa từng xuất hiện trong danh mục nào, cho tới mãi năm ngoái. Nhờ sự cố gắng của một nhà báo là Celina Dunlop, sau nhiều lần bị từ chối, cuối cùng đoạn phim dài 48h ghi lại các nhân chứng chủ yếu đã được tiết lộ, với nhiều thông tin kinh hoàng. Lính Mỹ Dennis Bunning nói: "Hầu hết lính trong đại đội không coi người Việt Nam là người. Một gã tóm lấy một cô gái... rồi lúc sau cả đám bắn chết hết các cô gái, khi đã xong..." Sự thực kinh khủng hơn mà tướng Peers phát hiện ra, là hoạt động này bất hợp pháp, được lực lượng đặc nhiệm của trung tá Frank Barker lên kế hoạch và điều hành. Không phải chỉ có một làng, mà tới ba làng bị thảm sát: Mỹ Lai, Bình Tây và Mỹ Khê. Không phải một đại đội mà có tới 2 đại đội tham gia: Bravo và Charlie. Cả hai đại đội đều nhận lệnh từ sĩ quan chỉ huy, cho phép họ "giết tất cả, và bất kỳ ai". Sau cuộc điều tra, 14 sĩ quan bị buộc tội, nhưng cuối cùng chỉ có Calley bị kết án. (Nguồn: BBC) |
Sương Mai tổng hợp