Điện trường có thể điều hướng chuyển động của các tế bào da, chẳng hạn đẩy chúng về vị trí miệng vết thương. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Freiburg ở Đức đã bắt đầu khuếch đại hiệu ứng này. Dù không thể khiến vết thương liền miệng ngay lập tức, phương pháp giúp giảm đáng kể thời gian cần thiết để vết rách phục hồi.
Đối với những người có vết thương mạn tính cần nhiều thời gian để chữa lành, chẳng hạn người cao tuổi, mắc bệnh tiểu đường hoặc người có tuần hoàn máu kém, việc hồi phục nhanh chóng sau những vết thương hở nhỏ có thể là "cứu cánh" theo nghĩa đen.
Maria Asplund, nhà khoa học điện tử sinh học tại Đại học Freiburg và Đại học Công nghệ Chalmers ở Thụy Điển, cho biết: "Vết thương mạn tính là vấn đề lớn mà chúng ta ít nghe nói đến. Khám phá của chúng tôi về phương pháp chữa lành nhanh chóng có thể đóng vai trò bước ngoặt đối với các bệnh nhân tiểu đường, người cao tuổi, người thường xuyên chịu đựng nhiều thương tổn không thể lành".
Trước đó, các nhà khoa học đã chứng minh được điện trường có thể hỗ trợ chữa bệnh. Tuy nhiên, cường độ và hướng của điện trường chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã phát triển nền tảng điện tử sinh học, sử dụng nó để thiết kế loại da nhân tạo từ tế bào sừng. Họ so sánh việc áp dụng điện trường ở những vết thương khác nhau.

Minh họa cách điện trường hoạt động trên vết thương. Ảnh: Science Brush
Nghiên cứu phát hiện tế bào sừng khỏe mạnh và tế bào sừng được thiết kế mô phỏng vết thương ở người mắc bệnh tiểu đường đều di chuyển nhanh gấp ba lần so với tế bào da không có sự can thiệp. Cú đẩy từ điện trường chứng tỏ hiệu quả cao, làm lành da nhân tạo. Không có tế bào nào bị hư hại sau khi thử nghiệm.
Các vết thương lâu lành làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến cắt cụt chi. Tất cả quy trình giúp tăng tốc độ lành vết thương đều có lợi cho bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe.
Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu là kiểm tra độ hiệu quả của điện trường trên da người thật, thay vì tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
"Chúng tôi đang xem xét tế bào da khác nhau tương tác thế nào trong quá trình kích thích, để tiến một bước gần hơn đến vết thương thực tế", tiến sĩ Asplund nói.
Thục Linh (Theo Science Alert)