Chị Nguyễn Thị Kim Nga (ngụ An Giang) có hai gối cong vẹo theo hình vòng kiềng nhiều năm nay, gây đau mỏi khi đi lại, đứng lên ngồi xuống khó khăn. Khi cơn đau bùng phát quá sức chịu đựng, chị tìm đến một cơ sở y tế để tiêm thuốc liên tục trong một tháng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giảm đau tạm thời, tình trạng cong vẹo gối tiếp tục nghiêm trọng, dáng đi biến dạng ngày càng nhiều.
Tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, qua thăm khám lâm sàng và hình ảnh X-quang, CT scan, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, phó khoa, nhận định chị Nga bị biến dạng vẹo trục chi hai bên, điều trị bằng thuốc kết hợp tập phục hồi chức năng không hiệu quả nên phải đục xương chỉnh trục chân. Phương pháp phẫu thuật này không chỉ giúp điều chỉnh lại trục chân mà còn bảo tồn khớp gối và khả năng vận động của người bệnh.
Người bệnh được phẫu thuật chân trái trước. Ekip mổ đã tiến hành cắt và khoan đục xương chày, lắp các dụng cụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho người bệnh vào, từ đó điều chỉnh và cố định lại trục chi.
Do khớp gối chị Nga bị biến dạng nặng, bác sĩ phải chỉnh cả mâm chày và lồi cầu trong xương chày. Bác sĩ Quyền cho biết, đây là lần đầu tiên một ca phẫu thuật chỉnh song song hai bộ phận này của khớp gối được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Bác sĩ chỉ mở một đường mổ nhỏ, hạn chế tối đa việc xâm lấn vào các bó cơ, giảm thiểu mất máu, đảm bảo tính thẩm mỹ và đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Độ chính xác của ca phẫu thuật được gia tăng nhờ công nghệ mô phỏng trên máy tính.
Sau 10 ngày phẫu thuật, người bệnh phục hồi tốt, không đau, bước đi nhẹ nhàng, dáng đi bình thường, chân thẳng. Ba tháng sau, chị Nga phẫu thuật tiếp chân còn lại.
"Phẫu thuật xong tôi được chồng khen rất nhiều. Khỏi bệnh, tôi sẽ đi du lịch khắp nơi và thoải mái mặc nhiều đồ mình thích, không cần phải che giấu đôi chân như trước nữa", người phụ nữ chia sẻ.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho hay phẫu thuật đục xương chỉnh trục đã được áp dụng từ lâu trên thế giới nhưng bị lãng quên do trào lưu thay khớp hiện nay.
Thông thường, trẻ em có chân vòng kiềng sẽ được áp dụng phương pháp nắn xương điều chỉnh ngay từ bé. Người lớn tuổi bị thoái hóa khớp có thể được thay khớp nhân tạo để chỉnh chân vòng kiềng. Tuy nhiên, với những người bệnh trẻ tuổi bị vẹo gối, chân vòng kiềng, chân chữ X nặng hay thoái hóa giai đoạn sớm, khớp gối còn tốt, bác sĩ có thể áp dụng phẫu thuật đục xương chỉnh trục.
Với sự phát triển về kỹ thuật, dụng cụ, phương tiện định vị... kỹ thuật này được đánh giá sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi trở lại, giúp bảo tồn khớp tự nhiên, mức độ vận động, giảm đau, đem lại đôi chân thẳng và thậm chí là tăng thêm vài cm chiều cao cho người bệnh.
Phi Hồng