Không kể đến giọng hát Ánh Tuyết vốn đã định hình trong dòng nhạc Văn Cao, thì Đức Tuấn là ca sĩ tiếp theo thu riêng một album với các ca khúc của cố nhạc sĩ. Anh cũng là nam ca sĩ đầu tiên thực hiện việc này.
“Hát những tuyệt phẩm của Văn Cao là một hành trình khép kín, để tới một cái đích mà mình ngưỡng vọng về một thứ âm nhạc đẹp đẽ, thanh tao và cũng để được gần ông hơn, người mà giữa bao biến động của thời cuộc, vẫn mang tâm hồn và phẩm chất của một nghệ sĩ lớn”, chàng ca sĩ chia sẻ về lần hát này.
Bìa CD "Tiếng hát Trương Chi". |
8 ca khúc có mặt trong album khá tiêu biểu cho phong cách lãng mạn của nhạc sĩ Văn Cao, được sắp xếp với chủ ý đưa người nghe khám phá các không gian khác nhau mà người nhạc sĩ tạo nên trong âm nhạc của mình. Nổi bật nhất vẫn là mùa thu và mùa xuân thường thấy trong các sáng tác của ông.
Dù lãng mạn như Suối mơ, Thu cô liêu, Buồn tàn thu... hay rộn ràng với Mùa xuân đầu tiên, Cung đàn xưa, Bến xuân... thì tựu trung lại, đó vẫn là nét nhạc, lời ca cho thấy tâm thế của một người nghệ sĩ cô đơn với những hoài vọng, nuối tiếc luôn ám ảnh trong suốt cuộc đời. Và Đức Tuấn, với giọng hát tình cảm, nắn nót đến từng câu, từng chữ, phần nào “tô” đậm thêm màu kỷ niệm trong từng ca khúc.
Phần hòa âm của album do nhạc sĩ Hoài Sa phụ trách. Anh đặt các bài hát có tuổi đời hơn nửa thế kỷ vào một không gian nhiều tính đương đại với hòa âm pop chủ đạo tạo tính trẻ trung và gần gũi với tai nghe hiện nay. Tuy nhiên, chất cổ điển của những khúc truyện ca như Trương Chi, Thiên Thai vẫn được giữ đúng tinh thần với phần hòa nhạc viết trên dàn dây.
Sự “nhập cuộc” lần này của Đức Tuấn, đại diện cho thế hệ ca sĩ nối tiếp, phần nào khẳng định tính bất hủ của những ca khúc Văn Cao với nền âm nhạc Việt Nam. Đồng thời cũng là cách anh tiếp tục giữ thương hiệu “tiếng hát Trương Chi” tạo được từ hơn 2 năm nay, qua những đêm nhạc tại các phòng trà TP HCM.
Nhiêu Huy