Ông Nguyễn Ngọc Vượng, Giám đốc công ty cho biết, mặt sàn của du thuyền hơn 450 m2, sử dụng nguồn nước của Công ty Kinh doanh nước sạch thành phố. Nước thải được thu gom vào 2 bể, mỗi bể có dung tích 5 m3.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra của Phòng cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên Môi trường nhận thấy du thuyền có 2 bể chứa nước thải, mỗi bể chỉ có 1,5 m3. Một phần nước thải của nhà thuyền thải trực tiếp ra hồ Tây theo chế độ tự tràn.
Potomac xả nước thải xuống Hồ Tây. Ảnh: Xuân Tùng |
"Hai bể chứa nước thải này nằm dưới hầm tàu được trang bị khá kín đáo. Hệ thống nước thải chằng chịt", một cảnh sát môi trường cho VnExpress.net biết. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước thải của du thuyền mang đi xét nghiệm để có cơ sở xử lý.
Trước mắt, đoàn kiểm tra yêu cầu hằng ngày công ty phải thu gom và đưa toàn bộ nước thải lên bờ xử lý; nghiêm cấm việc rửa, vệ sinh làm váng dầu tràn ra mặt nước.
Cùng ngày, kiểm tra tại Công ty dịch vụ ăn uống Phương Nguyên (Tô Ngọc Vân, Tây Hồ), đoàn kiểm tra phát hiện nhà hàng có hệ thống hố ga thu nước, nhưng không có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra hồ Tây qua hệ thống cống của thành phố.
Dài chưa đầy 1km, nhưng đoạn mặt nước hồ Tây men theo đường Thanh Niên (Hà Nội) có tới hơn 10 du thuyền, nhà nổi, sàn tàu lớn nhỏ neo đậu. Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được ngoài Potomac và Phương Nguyên, các công ty dịch vụ ăn uống khác có xả nước thải trực tiếp ra hồ hay không. Tuy nhiên tình trạng cá chết nổi trắng mặt hồ xuất hiện rất thường xuyên.
Sáng nay, chỉ trong 2 tiếng, ông Nguyễn Văn Chơn (Văn Điển, Hà Nội) và con rể đã vớt đầy 2 tải cá chết. Theo ông Chơn, mỗi ngày quanh hồ Tây và Trúc Bạch có gần chục người chuyên vớt xác cá. Nhiều hôm cá chết nổi trắng mặt nước. "Nước ô nhiễm, cộng với tình trạng đánh lưới nhiều khiến cá chết hàng loạt", ông Chơn giải thích.
Người dân vớt cá chết quanh hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Ảnh: Xuân Tùng |
Trước tình trạng nguồn nước hồ ô nhiễm và mất mỹ quan thành phố, cuối tháng 6, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã gửi thông báo đến các đơn vị kinh doanh du thuyền, nhà nổi trên hồ Tây, Trúc Bạch (dọc đường Thanh Niên) yêu cầu phải di chuyển xong trước ngày 30/8.
Sở Giao thông sẽ không cấp phép hoạt động bến thủy nội địa đối với doanh nghiệp đang kinh doanh các loại hình vui chơi giải trí trên hồ Tây, Trúc Bạch tại khu vực dọc đường Thanh Niên (đoạn từ phố Quán Thánh đến phố Trúc Bạch). Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp làm việc với UBND quận Tây Hồ, Ba Đình thống nhất vị trí bến mới, nhưng không được nằm trên trục đường Thanh Niên.
Nhưng đến nay đã gần hết tháng 9, nhiều nhà thuyền vẫn án binh bất động. Lãnh đạo quận Tây Hồ lý giải các chủ nhà thuyền chưa tìm được vị trí neo đậu mới. Trong cuộc họp mới đây giữa cơ quan chức năng với chủ nhà thuyền, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đồng ý gia hạn thời gian di dời thêm 1 tháng, đến 30/9.
Xuân Tùng - Tuấn Anh