Thứ tư, 17/4/2024
Thứ bảy, 26/8/2017, 20:20 (GMT+7)

Quá khứ hôi thối kinh hoàng của London

Các trạm bơm có tuổi đời 150 năm ở London đã ''cứu vãn'' sự ô nhiễm khủng khiếp của sông Thames, nay trở thành điểm tham quan hút khách.

Mùa hè năm 1858, người dân London phát hiện ra rằng họ đang gặp vấn đề về ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng thế kỷ qua, thành phố sương mù đã lạm dụng dòng sông Thames quá mức khi sử dụng nó làm bãi chứa chất thải sinh hoạt lẫn sản xuất công nghiệp, nên dòng sông không khác gì một “cống xả thải” làm cá và các sinh vật không thể sống được.

Vô số tranh ảnh minh họa sự ô nhiễm và mùi hôi thối kinh hoàng của sông Thames ra đời thời bấy giờ.

Mùi hôi thối bốc lên trở thành vấn đề nan giải trong nhiều năm đến mức đỉnh điểm là năm 1858, mọi người gọi sông Thames là “dòng sông thối vĩ đại” (The Great Stink). Năm đó, thời tiết nóng bất thường. Trong cái nóng bức xạ, chất thải trôi nổi trên dòng sông bắt đầu lên men và làm cho mùi hôi thối xông lên đến Nghị viện, rèm cửa ở đây phải ngâm trong clorua vôi (nước gia-ven) nhằm giảm mùi khó chịu. Khi việc này không còn có hiệu quả, chính quyền phải cân nhắc việc di chuyển toàn bộ cơ quan của chính phủ từ Westminster sang một vùng khác ở miền tây cách xa sông Thames. Cuối cùng họ quyết định xây dựng hệ thống cống thải – giải pháp khả thi duy nhất khi đó. Chỉ trong 8 ngày một dự luật mới được tạo ra, thông qua và được ban hành chính thức.

Nhiệm vụ cải cách sông Thames và xây dựng hệ thống cống thải được giao cho kỹ sư trưởng Joseph Bazalgette, người đã trải qua nhiều năm khủng hoảng để cố gắng thực hiện cho được kế hoạch xây hệ thống xử lý chất thải cho thành phố. Mỗi kế hoạch ông đưa ra đều bị bác bỏ vì hết lý do này tới vấn đề khác. Mùi hôi thối kinh khủng của sông Thames cuối cùng cũng giúp kế hoạch được phê duyệt và Bazalgette thực sự bắt đầu xây dựng công trình.

Đây là thời điểm mà nhiều dịch bệnh như thương hàn, tả hoành hành đáng sợ tới mức lan truyền trong cả không gian, khi người bệnh hít phải khí miasma (khí phát ra từ những thứ bị thối rữa). “Dòng sông thối vĩ đại” vì thế càng trở thành vấn đề đáng báo động với người dân.

4 năm trước đấy, John Snow, một trong những cha đẻ của dịch tễ học, khi xảy ra dịch tả Soho năm 1854, đã suy luận rằng nguyên nhân dịch bệnh là ở nguồn nước ô nhiễm. Snow đã theo dõi nguồn nước chảy ra từ một máy bơm đặt gần một cống rò rỉ. Mặc dù nguyên nhân về mầm bệnh của Snow đưa ra không được công nhận, ông vẫn thuyết phục được hội đồng địa phương để ngừng máy bơm này và di chuyển đi. Tình hình dịch bệnh đã suy giảm đáng kể khi máy bơm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, lý thuyết về miasma đã thực sự ảnh hưởng thới người dân và cho thấy bệnh lây lan nhanh hơn do mùi hôi thối, buộc nghị viện phải cân nhắc kỹ càng hơn vấn đề xây hệ thống nước thải của Joseph Bazalgette.

Kế hoạch của Bazalgette là đưa nước thải đi càng xa thành phố càng tốt thông qua dòng chảy của lực hấp dẫn và động cơ bơm hơi, rồi đổ xuống phía đông nam thành phố. Ông đã xây một mạng lưới các cống chặn, chạy song song với dòng sông, có những cống dài tới 131 km. Những cống này thu thập nước thải từ hơn 724 km cống lớn khác kết nối với 20.000 km cống nhỏ chứa đầy chất thải hàng ngày. Công trình dẫn thải này cần phải đào lên tới 3,5 triệu m3 đất, sử dụng 318 triệu viên gạch và 880.000 m3 bê tông. Bazalgette cũng xây thêm ba kè lớn dọc bờ sông Thames, bên trong có chạy tuyến ống cống.

Phần lớn chất thải di chuyển nhờ lực hấp dẫn nhưng một số chỗ như Chelsea, Deptford, Abbey Mills, và Crossnes vẫn phải xây thêm các trạm bơm để kéo nước thải chảy theo dòng. Trạm bơm ở Abbey Mills và Crossness là những công trình kiến trúc đẹp nhất có mái vòm trang trí hoa văn như nhà thờ Byzantine. Nhà sử học Nikolaus Pevsner, miêu tả kiến trúc tòa nhà là “một sự pha trộn không chính thống, Gothic kiểu Ý nhưng với các tầng cửa sổ Byzantine và đèn lồng hình bát giác trung tâm mang kiểu cách Nga”.

Bazalgette thể hiện sự tiên đoán tuyệt vời khi thiết kế hệ thống. Ví như sau khi nghiên cứu chính xác những ống cống lớn để hỗ trợ người dân London, Bazalgette đã lập luận rằng vì họ xây hệ thống chỉ một lần nên ông đã đi đúng hướng khi tăng gấp đôi đường kính ống cống. Nhờ vậy hệ thống xử lý nước thải 150 năm tuổi thời Victoria tại London vẫn còn hoạt động tới ngày nay.

Hệ thống cống cũng giảm bớt dịch bệnh tả và các bệnh nhiễm trùng khác bằng cách loại bỏ ô nhiễm. Kể từ khi có hệ thống cống London chỉ bị dịch bệnh tả một lần nữa vào năm 1866 nhưng trong phạm vi nhỏ.

Ngày nay du khách có thể tham quan trạm bơm Crossness tại khu Bexley. Tòa nhà tráng lệ được đặt biệt danh là ‘’nhà thờ của những đầm lầy’’ sau rặng núi Erith Marshes, có các ván lát trang trí đẹp ngoạn mục. Mặt ngoài trước đây có một ống khói khổng lồ, các lối vào được mô phỏng như kiến trúc của nhà thờ Norman.

Bên trong bốn động cơ khổng lồ đặt tên theo các thành viên hoàng gia – nữ hoàng Victoria, Hoàng tử Consort, Albert Edward và Alexandra của Đan Mạch. Những chiếc máy khổng lồ này có thể nâng tới 6 tấn nước thải mỗi lần tới hơn 9m vào một hồ chứa sau nó thả vào sông Thames khi có thủy triều. 

Từ năm 1950 trạm bơm ngừng hoạt động, chi phí tháo dỡ các động cơ rất lớn nên chúng được giữ lại tại chỗ. Sau 50 năm trạm bơm và máy móc không hoạt động nhưng được bảo trì để trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch từ năm 2015.

Theo Amusing

Hương Chi

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net