Thứ năm, 25/4/2024
Thứ năm, 24/1/2019, 11:19 (GMT+7)

Phố ông đồ trên vỉa hè Sài Gòn tấp nập khách tham quan

Năm thứ 13 liên tiếp, phố ông đồ trên đường Phạm Ngọc Thạch được tổ chức, thu hút đông người tới chụp ảnh, xin chữ từ sáng đến tối.

Dọc theo vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1), đoạn gần Nhà văn hóa Thanh Niên, ngoài những cây mai vàng rực rỡ là phố ông đồ được trưng bày bắt mắt từ ngày 22/1. Địa điểm viết thư pháp này trở thành nét văn hóa ngày xuân ở TP HCM trong 13 năm qua.

Năm nay, phố có 30 gian hàng bày biện nhiều câu đối chúc Tết ở vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch và trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh Niên.

Gần 60 ông đồ, hầu hết là người trẻ, sẽ "bày mực tàu giấy đỏ" cho chữ mọi người. "Mỗi gian hàng đều được trang trí mang đậm không khí ngày Tết. Mọi người mặc áo dài, khăn đóng khi cho chữ", ông đồ Xuân Thành (19 tuổi) cho biết.

Trên phố còn có cả "bà đồ" viết câu đối, thơ chúc tết cho mọi người. "Tôi ra phố ông đồ viết chữ vào những ngày giáp Tết, còn công việc thường ngày của tôi là làm biên kịch. Vì công việc chính có thời gian thoải mái nên dịp này, tôi dành hết thời gian ở đây chăm chút cho gian hàng thư pháp", Thủy Tiên (28 tuổi) chia sẻ.

Mỗi gian hàng mang phong cách trang trí khác nhau. "Làm thầy đồ không chỉ viết chữ cho đẹp mà còn phải biết lắng nghe tâm sự của những người đến xin chữ. Mỗi chữ họ xin lại có ý nghĩa riêng với gia đình, người thân của họ", chị Thu Thanh chia sẻ.

Từ ngày đầu khai trương, phố luôn nhộn nhịp với nhiều khách trong và ngoài nước.

Các bức tranh thủy mặc, thư pháp... được bán với giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. "Những chữ mọi người xin mang ý nghĩa về sự may mắn, tài lộc, hạnh phúc. Các gian hàng đều có sách tham khảo để khách hiểu từng chữ, câu đối... Ngoài ra, các món đồ lưu niệm, móc khóa, linh vật hình heo có chữ thư pháp cũng thu hút khách", bác Huy Khôi (78 tuổi) nói.

"Tôi bán bức tranh thủy mặc này có nội dung về công cha, nghĩa mẹ với giá 4,5 triệu đồng. Tranh giá tiền triệu không dễ bán nhưng người thích thường không chần chừ khi mua và yêu cầu vẽ theo nội dung của họ", thầy đồ Phạm Văn Nguyên (31 tuổi) chia sẻ.

Đứng ngắm nghía những bức tranh, chị Tường Nhàn (quận Phú Nhuận) cho biết: "Năm nào, tôi cũng ra đây xin chữ, năm nay phố trang trí đẹp hơn hẳn. Ngoài mai đào, câu đối, còn có hẳn khuôn viên bày biện linh vật heo, các vật dụng của Tết xưa rất bắt mắt".

Phố ông đồ được trang trí thêm những cành hoa mai vàng rực, thu hút nhiều người dân, bạn trẻ tới chụp hình.

Một góc khác gợi nhớ lại không khí Tết xưa với những sắc đỏ tươi.

Phố ông đồ nhộn nhịp nhất vào khoảng thời gian chiều tối. Theo các thầy đồ, hiện khách chủ yếu tham quan và chụp hình là chính, phải sau ngày cúng ông Táo (23 tháng Chạp) mới có nhiều người xin chữ. Phố ông đồ Tết Kỷ Hợi 2019 diễn ra đến ngày 4/2 (tức 30 tháng Chạp).

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net