Thứ tư, 17/4/2024
Thứ tư, 20/4/2016, 20:03 (GMT+7)

Nỗi sợ hãi của người đàn ông 6 lần chinh phục Everest

Áp suất giảm, độ ẩm thấp, nhiệt độ dưới 0 độ C, những cơn ho ra máu, cơ thể mất nước do tiêu chảy, những trận tuyết lở… là điều bạn sẽ phải đối mặt nếu muốn chinh phục đỉnh Everest.

Chinh phục đỉnh Everest là điều rất nhiều người mong muốn, nhưng để đạt được nó, bạn sẽ phải trải qua những cảm giác như địa ngục. Vượt qua những khối băng lớn, hứng chịu các trận tuyết lở, bị tiêu chảy 6 lần một đêm ngay trên sườn đá hay năng lực hoạt động của não giảm xuống dưới 15% là những điều bạn sẽ phải đối mặt nếu muốn vượt qua đỉnh núi cao nhất thế giới này.

Gavin Bate, 49 tuổi, người Anh, sở hữu công ty du lịch mạo hiểm Advanture Alternative, tổ chức các tour đến Borneo, Kenya, Nga và cả Bắc Cực. Trong đó, Everest là tour được khuyên nên suy nghĩ cẩn thận nhất trước khi thực hiện.

Gavin có kinh nghiệm leo núi cực dày dạn, 6 lần chính phục Everest, trong đó 3 lần không cần sự trợ giúp của bình oxy (thứ được coi là cần thiết nhất cho người leo núi). Lần khó khăn nhất là vào năm 2005, khi anh đi một mình và cũng không có bình oxy.

“Nhưng kể cả bạn là chuyên gia, cũng vẫn sẽ gặp rắc rối lớn”, Gavin nói. Đó là vào năm 2002, Gavin leo cùng người bạn tên Will, bị trật khớp gối khi chỉ còn cách đỉnh 100 m. “Chúng tôi thực sự đã gặp rắc rối, nhất là khi quanh khu vực đó có khoảng 14 xác chết. Quyết định của tôi khi đó là nên ở lại với Will và cả hai cùng chết, bởi chúng tôi không có oxy ở độ cao 8.500 m hay là để anh ta lại và rời đi. Tuy nhiên, tôi đã quyết định cõng Will lên lưng liên tục 3 ngày và leo xuống. Thật may là tôi đã làm được”, Gavin chia sẻ.

Gavin cũng cho hay: “Nếu cho rằng bỏ ra 70.000 USD có thể mua được sự an toàn thì bạn đã nhầm, bởi người hướng dẫn cũng chỉ là con người mà thôi. Everest là hành trình nguy hiểm cho cả những người giàu kinh nghiệm nhất”.

“Năm 2005, tôi leo đỉnh Everest mà không có bình oxy và cũng chỉ dừng lại đúng một lần trên cả hành trình. Thế nhưng khi chỉ còn cách đỉnh 100 m, tôi buộc phải đứng xếp hàng để chờ tới lượt leo lên. Tôi biết nếu đứng đợi một tiếng, tôi chắc chắn sẽ chết vì thiếu oxy. Cảm giác mọi cơ quan trong cơ thể như chuẩn bị đóng băng là khi bạn biết tử thần sắp gõ cửa”, Gavin kể lại.

Áp suất khi ở gần đỉnh giảm xuống khoảng 30% so với mực nước biển, đó là lý do tại sao cơ thể con người luôn bị ảnh hưởng bởi độ cao. Khi đó, cơ thể bạn thường chết rất nhanh vì hai lý do: thiếu oxy trong máu và phù phổi. Vì vậy nếu bạn chưa bao giờ vượt qua độ cao 6.500 m, bạn sẽ không biết cơ thể sẽ phản ứng ra sao trước những vấn đề này.

“Vì thế, nếu khách hàng muốn tham gia chuyến đi lên Everest, tôi sẽ yêu cầu họ phải vượt qua đỉnh núi cao 7.000 m, rồi sau đó là 8.000 m để có sự khởi đầu tốt nhất”, Gavin bổ sung.

Một vấn đề nữa là độ ẩm thấp và nhiệt độ dưới 0 độ C có thể dẫn tới những cơn ho, chúng kéo dài liên tục và bạn thậm chí ho ra cả máu. Hoặc vấn đề về dạ dày, đường ruột, cơ thể mất nước do tiêu chảy. Thử tưởng tượng bạn bị đi ngoài 6 lần trong đêm, ho liên tục và không thể ngủ ở nhiệt độ -20 độ C. Những điều này sẽ kéo bạn xuống và khiến bạn suy sụp.

Do đó mà Gavin luôn khuyên các du khách nên nghĩ thật kỹ trước khi tiêu hàng chục nghìn USD vào một nơi bạn chưa chắc có thể chinh phục.

Ảnh: Adventure Alternative.

Hải Thu

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net