Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 16/4/2019, 20:06 (GMT+7)

Những di sản thế giới bị tàn phá bởi hỏa hoạn

Trước nhà thờ Đức Bà Paris, nhiều công trình nổi tiếng ở các nước cũng bị lửa hủy hoại.

Nhà thờ York Minster, Anh

Vào ngày 9/7/1984, một vụ hỏa hoạn do sét tạo ra, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà thờ York Minster. Ngọn lửa khổng lồ phá hủy phần mái phía nam, nơi được xây dựng vào thế kỷ thứ 15. Sức nóng từ đám cháy đã phá vỡ Cửa sổ hoa hồng tráng lệ thành hàng nghìn mảnh nhỏ. Cửa sổ có lịch sử từ thế kỷ 16 sau đó được phục dựng rất tỉ mỉ. Quá trình sửa chữa nhà thờ được hoàn thành vào năm 1988, với kinh phí 2,25 triệu bảng (tương đương 6,7 triệu USD ngày nay) Ảnh: Thousandwonders.

Bảo tàng quốc gia Brazil

Đêm 2/9, rạng sáng 3/9/2018, Bảo tàng quốc gia Brazil bị một đám cháy lớn tàn phá. Bảo tàng lịch sử tự nhiên và nhân chủng học lớn nhất Mỹ Latin lúc bấy giờ chứa 20 triệu cổ vật và 530.000 đầu sách. Nơi đây có tới 26.000 hóa thạch và cả những bộ xương khủng long được phát hiện ở trung tâm Minas Gerais, Brazil. Đám cháy đã tiêu hủy một số mẫu vật cổ đại như những con lười khổng lồ hay hổ răng kiếm. Ảnh: TravelandLeisure.

Nhà hát Opera Venice, Italy

Với âm thanh hoàn hảo, nhà hát Le Fenice được mở cửa năm 1792, là một trong những nhà hát đẹp nhất thế giới. Năm 1966, công trình bị thiêu rụi. Hai thợ điện gây ra vụ cháy nhận án 6 và 7 năm tù vì lỗi sơ suất. Bảo tàng được mở cửa lại vào năm 2004. Ảnh: Ecosia.

Nhà hát Opera Barcelona, Tây Ban Nha

Năm 1994, nhà hát Opera Gran Teatre del Liceu nổi tiếng của Barcelona cũng bị phá hủy bởi hỏa hoạn. Phần còn sót lại là khu vực tiền sảnh và mái vòm móng ngựa trong khán phòng. Nhà hát 150 năm đã được xây dựng lại sau đó. Ảnh: Aspasios.

Lâu đài Windsor, Anh

Một vụ hỏa hoạn lớn ngày 20/11/1992 đã phá hủy hoàn toàn khu vực phía đông bắc của lâu đài Windsor, nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của nữ hoàng Anh. Chín căn phòng bị hư hỏng. Nguyên nhân được xác định là trong thời gian bảo trì định kỳ, một chiếc đèn đã bén lửa lên tấm rèm và gây ra hỏa hoạn.

Hơn 250 lính cứu hỏa làm việc liên tục trong 15 giờ và sử dụng 6,5 triệu lít nước để kiểm soát đám cháy. Lâu đài được phục hồi sau 5 năm và mở cửa tham quan trở lại vào năm 1997. Ảnh: RoyalUK.

Nhà thờ Coventry, Anh

Đêm 14/11/1940, Luftwaffe (lực lượng không quân Đức) đã thả bom xuống thành phố Coventry, Anh, giết chết hơn 1.000 người dân, đồng thời thiêu rụi Nhà thờ Giáo xứ thánh Michael. Bên cạnh việc xây mới, hiện nay tàn tích của nhà thờ vẫn được bảo tồn như một lời nhắc nhở về sự tàn phá của chiến tranh. Ảnh: Churchtimes.

Nhà hát lớn Geneva, Thụy Sĩ

Năm 1951, nhà hát của Geneva đã gặp sự cố khi đang chuẩn bị cho buổi diễn The Valkyrie của Richard Wagner. Đến năm 1962, nhà hát được xây dựng từ thế kỷ thứ 19 này đã được mở cửa trở lại. Ảnh: Wikipedia.

Lan Hương (Theo Channel News Asia)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net