Thứ tư, 24/4/2024
Chủ nhật, 24/3/2019, 02:08 (GMT+7)

Nghi lễ chia tay người đã khuất ở Ninh Thuận

Dịp mùa xuân, người Raglai tiến hành nghi lễ quan trọng thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với người đã mất.

Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai ở Ninh Thuận, thường được tổ chức vào tháng 3, tháng 4. Họ quan niệm, có hai thế giới song song tồn tại, của người sống và những người đã khuất. Sau khi chôn cất, người chết vẫn còn mối quan hệ với người đang sống, bởi linh hồn còn trong cõi nhân gian, nên phải làm lễ bỏ mả để chấm dứt sự liên kết này. Trước đó, toàn bộ thành viên trong gia đình tham gia chuẩn bị cho nghi lễ chính.

Lễ vật gồm có 3 mâm cỗ cúng với heo, gà, cơm, rượu, thịt, chuối, thuyền Kagor… Lễ được thực hiện từ năm thứ ba đến năm thứ năm, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh gia đình có thể làm sớm hơn. Thời gian tổ chức 3-5 ngày, quy mô lớn, thu hút dân trong làng và nhiều vùng khác đến tham gia.

Kagor (chiếc thuyền được làm từ cây gỗ nguyên khối) được chạm khắc, trang trí đẹp, là quà tặng của người sống đối với người đã khuất, biểu tượng cho nơi trú ngụ của ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia.

Thầy cúng trong lễ bỏ mả phải có 3 người biểu thị cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân.

Thầy cúng chính đứng ở giữa gọi là vị Yanuh jalat (người chỉ đường, chỉ thức ăn, đồ uống… cho vong linh) bằng cây “gậy thần”.

Thầy cúng làm lễ mời hồn về nhận lễ vật. Họ chia của cải, thức ăn cho người chết.

Những người đàn ông liên tục đánh Mã la (chiêng đồng) trong suốt buổi lễ như sự dẫn đường cho linh hồn người mất.

Kagor được người thân rước, theo sau là những lễ vật để tiến về khu nhà mồ. 

Lễ bỏ mả hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, múa, trình diễn... với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”.

Nhà mồ được dựng trên vùng đồi quang đãng theo hướng Đông - Tây. Mái được lợp bằng tranh tạo dáng thành hình chiếc thuyền đang lật úp, ở giữa có một cây trụ vuông để gắn Kagor.

Lễ bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết. Đây còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ, biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt.

Năm 2018, lễ bỏ mả của người Raglai (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngọc Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net