Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 13/4/2019, 02:08 (GMT+7)

Màn cầu hôn hiếm có trong Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới

"Vào khoảnh khắc ấy, tôi quỳ gối và nói rằng tình yêu mình dành cho cô ấy lớn hơn hết thảy mọi thứ trên thế giới", Jarryd hồi tưởng.

Alesha và Jarryd bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh thế giới từ năm 2008. Một trong những kỷ niệm khó quên với cặp phượt thủ Australia này là hành trình thám hiểm Sơn Đoòng đầu năm 2015.

"Ngày càng nhiều người đứng trên đỉnh Everest hơn từng đặt chân vào hang Sơn Đoòng, và chúng tôi là một trong số ít người may mắn có cơ hội trải nghiệm chuyến phiêu lưu này", Alesha và Jarryd chia sẻ.

Cả hai may mắn được chính Hồ Khanh dẫn đường trong chuyến đi để đời. Hồ Khanh (ảnh) là người đầu tiên tìm ra hang Sơn Đoòng trong lúc đi rừng và tìm chỗ trú mưa. Hiện ông là đội trưởng đội porter phục vụ tour Sơn Đoòng. 

Jarryd và Alesha gọi porter dẫn khách đi Sơn Đoòng là những người hùng thực thụ trên hành trình thám hiểm hang động. Họ ví những porter với các sherpa của Nepal -  "bản nhạc góp âm cho bài ca chiến thắng" của những nhà leo núi chinh phục Everest. 

"Những người đàn ông này đều là người Quảng Bình, từng kiếm sống bằng nhiều nghề như làm nông, săn bắn và đốn củi. Điểm chung của họ chính là khả năng sinh tồn và vượt qua những cánh rừng Phong Nha. 20 porter, hai đầu bếp, hai kiểm lâm, hai trợ lý hướng dẫn, một hướng dẫn viên và hai chuyên gia hang động Anh hợp thành một đội dẫn dắt 10 khách trong tour 5 ngày 4 đêm vào hang động lớn nhất thế giới", blogger Australia cho biết.

Theo Alesha, nhiều người sẵn sàng chi hàng trăm đôla để mua giày phượt áp dụng các công nghệ mới nhất cho những chuyến thám hiểm. Còn những người đi rừng Phong Nha chỉ dùng dép cao su giá khoảng vài chục nghìn đồng tại chợ quê. Họ thoăn thoắt leo vách đá, vượt sông, băng rừng trong hàng tuần với những đôi dép cao su đơn sơ này.

"Quan sát khách nước ngoài vật lộn để vượt qua địa hình khó trên những đôi giày có khi trị giá tới hàng trăm, thậm chí nghìn đôla là điều thú vị với các porter, những người khá hài lòng với đôi dép cao su", Alesha bày tỏ.

Tại một số khu vực trong hang, các thành viên cần nhờ đến những thiết bị đặc biệt như dây bảo hộ, khoen và móc leo núi cũng như hệ thống cáp để có thể an toàn vượt qua những vách đá. Với sự dẫn dắt của hướng dẫn viên kỳ cựu, Jarryd và Alesha cùng các thành viên trong đoàn leo qua những vách đá lớn, đôi khi hai bên lối đi của họ đều là vực thẳm.

Ngoài kỹ năng leo núi, du khách cần có thể lực dẻo dai để vượt qua chặng đường trong hang. Chỉ trong vài phút, họ đã hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, bước xuống một nơi tối đặc.

Có rất nhiều trò để giải trí khi sống nhiều ngày liền trong hang, phổ biến nhất là đánh bài, hát hò và uống rượu gạo. Những porter Việt Nam liên tục đánh đố nhau đọ sức qua những thử thách nhằm phô diễn thể lực của mình. Vật tay là một trong số hoạt động như vậy, và những người đàn ông hào hứng lôi kéo tất cả tham gia. Dù dáng vẻ khiêm tốn, năng lượng và sức mạnh của họ thật đáng kinh ngạc, hệt như những vận động viên chuyên nghiệp tới hang thám hiểm, Jarryd nói.

"Cắm trại trong hang Sơn Đoòng là một trong những trải nghiệm động đáo và ấn tượng nhất trên thế giới. Mỗi mùa, các porter sẽ mang vừa đủ dụng cụ vào để cắm trại, gồm bàn ghế, dụng cụ nấu nướng và thậm chí cả toilet. Kết thúc mùa vào hang, mọi thứ sẽ được đem ra ngoài, kể cả chất thải", Alesha chia sẻ.

Khi thám hiểm vườn quốc gia, những chuyên gia hang động và porter sống dựa vào gạo và bất cứ thứ gì họ kiếm được từ rừng. Trái lại, tour Sơn Đoòng có hai đầu bếp tiêu chuẩn tham gia dẫn đoàn. Khoảnh khắc cùng những du khách khác ngồi ăn tối trong hang động lớn nhất thế giới rất ấn tượng với Jarryd và Alesha. Họ thưởng thức sườn lợn nướng, gà chiên, rau củ xào và đậu phụ rán. Một tour tốn sức cần những loại thực phẩm giàu năng lượng, do đó mỗi porter phải mang tới 45 kg đồ đạc trên mình.

Khu cắm trại thứ hai trong hang Sơn Đoòng nằm dưới một hố sụt mọc đầy rêu và bụi cây. Từ trong lều, Jarryd và Alesha có thể ngước nhìn trời sao, sau lưng là khoảng tối vô tận của toàn bộ hang. Cả hai tiết lộ, người dân địa phương có niềm tin vào tâm linh và luôn coi rừng là nhà.

Hang Sơn Đoòng lớn đến nỗi có riêng một khu rừng mang tên vườn Edam, sông ngầm và khí hậu riêng. Mây hình thành trong hang, bay qua lối ra và những hố sụt. Khi trekking qua hố sụt giữa những măng đá khổng lồ và tán lá cao chót vót, trần hang rộng lớn phía trên đầu, du khách dễ dàng quên rằng họ đang thực sự ở sâu dưới một hang động ngầm.

Con sông ngầm chảy trong lòng hang không ngừng tạo nên những khoảng không. Làn nước sáng xanh ánh lên từ dòng sông nhờ đi qua những lớp trầm tích đá vôi. Trên hành trình thám hiểm hang, du khách phải băng qua dòng nước này nhiều lần. Một khi ở dưới lòng sông, du khách sẽ cần đi theo dây thừng dẫn lối để đảm bảo an toàn.

Coi chừng khủng long!” là cách mà nhà thám hiểm hang động Howard Limbert nhắc nhở Jarryd khi anh tới hố sụt 1, nơi ánh sáng có thể chiếu rọi vào bên trong. Tại đây, Jarryd đã yêu cầu Alesha trèo lên một măng đá vôi để chụp ảnh. Ánh nắng hiếm hoi tỏa sáng phía sau, họ nhìn vào mắt nhau và Alesha thắc mắc cả hai nên tạo dáng thế nào.

"Vào khoảnh khắc ấy, tôi quỳ gối và nói rằng tình yêu mình dành cho cô ấy lớn hơn hết thảy mọi thứ trên thế giới, gồm cả hang động này. Một giọt lệ lăn từ khóe mắt, tôi ngỏ lời cầu hôn với cô gái trong mơ của đời mình. Cô ấy nhắm mắt, bật khóc và đồng ý", Jarryd hé lộ.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net