Thứ năm, 18/4/2024
Thứ năm, 28/7/2016, 05:05 (GMT+7)

Đánh cược tính mạng với nghề bắt tôm hùm

Ở Nicaragua, thợ chính phải lặn 12 - 16 lần mỗi ngày để bắt tôm hùm ở độ sâu hơn 50 m dưới lòng biển. Cường độ công việc và sức ép của khí khi lặn sâu có thể khiến họ mắc bệnh khí ép dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

Josh Wolff là quay phim của trang Business Insider, từng được giải thưởng với phim tài liệu "My Village, My Lobster" (Làng tôi, tôm hùm của tôi), nói đến nghề lặn bắt tôm hùm rất nguy hiểm. Josh thực hiện bộ phim tại Puerto Cabezas, cách thủ đô Managua, Nicaragua một giờ bay. 

Puerto Cabezas là nơi có rất nhiều tàu bè đánh bắt tôm hùm gai Caribbean - thứ "vàng đỏ" quý giá và là nguồn sống của người bản xứ. Nhờ có nghề bắt tôm hùm mà mức sống của dân địa phương được nâng cao đáng kể. 

Josh đã dành nhiều ngày ở đất liền và trên thuyền bắt tôm hùm để trải nghiệm, ghi hình cuộc sống của ngư dân địa phương. Anh gặp gỡ Milton, một thợ phụ cho các thợ lặn, cũng chính là nhân vật trung tâm của bộ phim tài liệu.  

Đá lạnh và nhiều vật dụng đã được đem lên thuyền chuẩn bị cho hành trình 2 tuần trên biển. Con thuyền như hình sẽ là nơi ở của khoảng 40 - 50 người đàn ông. 

Thợ lặn và thợ phụ mang theo dụng cụ đang chờ gọi tên lên thuyền ở Puerto Cabezas. Nếu không được gọi nghĩa là họ phải đợi thêm hai tuần nữa mới tới lượt đi biển. Những chuyến đi phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, giá xăng dầu và cả những cuộc biểu tình tăng lương. 

Trước đây, ngư dân bắt được nhiều tôm hùm hơn nên các chuyến đi biển chỉ vài ngày là đầy thuyền. Tuy nhiên, do tăng lượng người đánh bắt, những chuyến đi hiện nay kéo dài tới 10 ngày. 

Con thuyền mà Josh đi tên là Spanish Lady (Quý bà Tây Ban Nha). Anh mang theo bộ máy ảnh, máy quay để thực hiện bộ phim của mình. Mới trải qua một ngày anh đã ý thức được sự gắn kết của những con người tìm nguồn sống giữa vùng biển Caribbean này. 

Spanish Lady có 50 người làm, gồm thuyền trưởng, các thợ lặn, thợ phụ, thợ máy và đầu bếp. Sau bữa sáng và buổi cầu nguyện, họ gỡ những xuồng nhỏ xuống để bắt đầu làm việc.  

Các bữa ăn được đầu bếp nấu trên thuyền mỗi ngày. Thường là các món rán, nguyên liệu gồm cả cá bắt được trong các ngày thợ lặn bắt tôm hùm.  

Các dụng cụ lặn cũ kỹ vẫn là thứ không thể thiếu của các chuyến bắt tôm hùm. Những bình dưỡng khí đều được tái chế từ đầu thập niên 90, thợ lặn dùng chúng để có thể lặn sâu nhanh hơn, nhưng sức nén của bình có thể làm họ bị bệnh khí ép (the bends - căn bệnh gây chết người bởi bong bóng khí nitơ tạo ra trong máu và cơ).

Milton là một thợ phụ, anh chèo xuồng của mình và tiếp bình dưỡng khí mới cho thợ lặn. Đối với thợ lặn, họ phải lặn tới 12 - 16 lần một ngày, độ sâu lên tới 54 m (độ sâu mà tôm hùm gai Caribbean sinh sống). Hầu hết thợ bắt tôm hùm đều bị mắc bệnh khí ép. Có đến hàng trăm thợ đã chết trong khi những người còn sống sót thì bị liệt. 

Công việc của thợ phụ như Milton tuy đơn giản nhưng rất quan trọng. Họ phải bắt cặp với thợ lặn, theo dõi từng bọt bong bóng nổi lên để hỗ trợ. Khi thợ lặn nổi lên, thợ phụ lấy tôm hùm và đổi bình dưỡng khí mới. 

Khi lên thuyền lớn, mọi người cùng hợp sức kéo xuồng, đặc biệt là những xuồng gỗ cũ và nặng. 

Milton và xuồng tôm hùm của anh đang tiến lại thuyền Spanish Lady.

Sau khi đánh bắt, đuôi tôm được bóc, cân đo và dời vào khu bảo quản riêng ở dưới boong thuyền cùng đá lạnh để tươi trong vài ngày tới. 

Mỗi thuyền bắt tôm đều có một giáo sĩ riêng, người sẽ tổ chức các buổi cầu nguyện vào buổi sớm trước bữa ăn sáng. Họ là người đóng vai trò như "bờ vai" để các thợ lặn có thể đặt niềm tin. 

Khi kết thúc hành trình đi biển bắt tôm, những người thợ trở về trong vòng tay của mọi người trên đất liền. Đàn ông đóng gói đồ đạc, thay bằng những bộ quần áo sạch sẽ hơn. Không ai muốn có mùi cá tôm hay dầu máy trước khi gặp gia đình mình. Niềm phấn khởi của họ rõ ràng tới mức dường như có thể chạm vào được. 

Hương Chi

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net