Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 17/11/2013, 08:18 (GMT+7)

Cung đường sắt dốc nhất thế giới

Trải trên con dốc cao hơn 1.600 m, Pilatus trở thành tuyến đường sắt có độ dốc lớn nhất.

Pilatus là tuyến đường sắt ở Thụy Sĩ kết nối Alpnachstad trên hồ Lucerne đến một trạm gần đỉnh núi Pilatus ở độ cao 2.073 m. Tuyến đường chỉ dài 4,6 km, trải trên con dốc cao hơn 1.600 m.

Dự án xây dựng đường sắt này được đề xuất vào năm 1873 với khoảng cách đường ray tiêu chuẩn là 1.435 mm và độ dốc tối đa là 25%. Tuy nhiên, dự án khi đó được kết luận sẽ không đạt hiệu quả kinh tế.

Sau đó kỹ sư Eduard Locher phát minh ra một hệ thống độc đáo với độ dốc tối đa lên đến 48% để giảm chiều dài của tuyến đường xuống một nửa.

Người ta sử dụng lực kéo hơi cho đoàn tàu vào ngày 4/6/1889 và sau đó được điện khí hóa vào 15/5/1937, sử dụng nguồn cung cấp điện một chiều 1.550 V.

 

Những toa tàu có 32 chỗ ngồi ban đầu phải di chuyển một quãng đường dài với vận tốc 3-4 km/h và mất hơn một giờ để leo lên đến đỉnh.

Toa tàu điện hiện nay chở được 40 khách chạy ở vận tốc 9 km/ h và thực hiện chuyến đi trong khoảng nửa giờ. Tuyến đường ray ban đầu hiện giờ đã trên 100 năm tuổi.

Vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 11, tuyến đường sắt này mới hoạt động vì nói không bị chôn vùi bởi tuyết. Cứ 45 phút tàu sẽ khởi hành. Vào mùa đông, khách du lịch còn có thể tiếp cận núi Pilatus thông qua hệ thống cáp treo.

Anh Phương (Theo Amusing Planet)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net