Thứ tư, 24/4/2024
Thứ hai, 9/12/2013, 17:56 (GMT+7)

Các bước xây dựng khách sạn băng

Khách sạn băng đã không còn quá xa lạ với nhiều du khách, nhưng chắc hẳn khá nhiều người thắc mắc công trình này được xây dựng và trang trí ra sao.

Khách sạn băng - Icehotel tọa lạc tại làng Jukkasjärvi, phía bắc Thụy Điển. Làng chỉ có hơn 1.000 người và cũng có chừng ấy chú chó.

Công trình bắt đầu được xây dựng từ khoảng tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Ít nhất mất 8 tuần để thi công khách sạn và 6 tuần làm việc trước và sau quá trình này gồm chuẩn bị và hoàn thiện.

Khách sạn được làm từ khoảng 1.000 tấn băng cùng 30.000 m3 hỗn hợp tuyết và băng gọi là “snice” có màu trắng, tinh khiết và tính bền vững cao hơn tuyết thông thường.

Khoảng 100 người trong đó ngoài công nhân còn có phân nửa là nghệ sĩ quy tụ về như một trại sáng tác để góp phần trang trí cho Icehotel.

Băng được khai thác từ tháng 3-4 trên sông Torne, trữ lạnh cho đến mùa đông khoảng tháng 10 và tháng 11 mới lấy ra xây dựng.

Các dụng cụ để dựng nên những căn phòng ngoài cuốc xẻng còn có máy cưa băng.

Đôi khi để tạo nên những khúc bo tròn, các nghệ sĩ còn sử dụng cả bàn ủi để làm băng tan theo đúng ý định của mình.

Nghệ sĩ Bazarsad Bayarsaikhan đang thực hiện tác phẩm “tổ rồng – dragon nest”. 

Quá trình xây dựng khách sạn băng náo nhiệt không kém những công trường thông thường và điều kiện làm việc còn khắc nghiệt hơn khi nhiệt độ luôn ở dưới 0 độ C.

Trước khi làm mái và tường, một dàn khung bằng sắt chắc chắn được dựng nên.

Quá trình thi công mái cũng khá tốn thời gian và phải đảm bảo độ an toàn. Các khối băng lớn được xếp lên nhau và kết nối bởi “snice” giống như lớp vữa xi măng trong xây dựng thông thường.

Có khoảng 50 công nhân sẽ chịu trách nhiệm dựng phần thô của khách sạn băng trước trong vòng 4-6 tuần.

Thùng dụng cụ và mũ bảo hiểm của các công nhân và nghệ nhân thi công.

Công nghệ đo đạc và cân chỉnh cũng được áp dụng trong việc đảm bảo độ an toàn và thiết kế thẩm mỹ cho từng căn phòng trong khách sạn.

Xưởng đồ nghề chất đầy những dụng cụ của công nhân, họ sẽ sống và làm việc trong khuôn viên khách sạn hoặc gần ngay trong thị trấn khoảng 2 tháng.

Sau khi phần sườn được hoàn thành, tuần cuối cùng trước khi khách sạn mở cửa, 40 nghệ sĩ sẽ dành thời gian để trang trí nội thất từ những khối điêu khắc băng.

Những dụng cụ để điêu khắc trên băng không khác lắm với các loại dùi đục của thợ mộc.

Căn phòng suite với trang trí là những khối băng vuông vức.

Các căn phòng và sảnh chính được xây theo hình mái vòm ô van, có khả năng tự đứng vững. Khi băng tan dần, thay vì bị sụp, phần mái và tường sẽ từ từ chảy ra.

Chiếc giường với những bông hoa băng trang trí và lót lông thú. Mỗi năm có khoảng 50.000 du khách từ 80 quốc gia đến nghỉ tại đây.

Khu sinh hoạt chung với ghế ngửa rộng và lộng lẫy như trong các bộ phim thần thoại.

Tác phẩm “tổ rồng” của nghệ sĩ Bazarsad Bayarsaikhan.

Một phòng suite khác với giường, bàn, đèn chùm bằng băng. Mỗi năm, khách sạn lại có một diện mạo khác nhờ bàn tay sáng tạo bất tận của các nghệ sĩ.

Căn phòng gợi nhớ bộ phim Troll Legacy với đèn LED màu xanh huyền bí chạy dọc tường. 25 năm qua, Icehotel đều được xây mới mỗi năm khiến cho mỗi lần đến là một trải nghiệm khác nhau với du khách.

Bạn cũng sẽ không sợ bị ướt khi ngủ hoặc ngồi trên giường bởi trong lòng khách sạn rất khô thoáng nhờ độ ẩm thấp.

Từng căn phòng đều là tâm huyết của các nghệ sĩ và theo mục đích của chủ khách sạn, đó sẽ như tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ đơn giản là nơi ngả lưng.

Sông Torne đã đóng góp số lượng băng và tuyết lớn để hình thành nên những căn phòng độc đáo chỉ có ở Icehotel.

Căn phòng có mái trong suốt có thể nhìn thấy bầu trời với hiện tượng cực quang tỏa ánh sáng xanh huyền bí bên trên.

Bàn và ghế được làm từ băng. Mỗi khối băng thu hoạch tại sông Torne thường dài 2 m và dày 1 m.

Ngoài việc xây khách sạn, Icehotel còn kinh doanh thêm cả việc bán những khối băng mà họ khai thác được theo nhiều kích cỡ tùy nhu cầu khách hàng. Băng được trữ ở nhiệt độ -6 độ C quanh năm trong “văn phòng” của khách sạn tại làng Jukkasjärvi.

Bài: Hoài Nam

Ảnh: Paulina Holmgren

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net