Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 29/7/2017, 02:08 (GMT+7)

Bộ lạc trên đảo Anh tuyệt chủng do ảnh hưởng của du lịch

Khách du lịch tới đảo St Kilda đã mang đến nguồn lợi kinh tế cho bộ lạc ở đây, mà cũng mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác.

Ở thế kỷ 19, Vương quốc Anh gắn liền với những tiến bộ công nghiệp vĩ đại, nhưng ngoài khơi bờ biển Scotland, trên đảo St Kilda, một bộ lạc vẫn giữ lối sống từ thời kỳ đồ đồng, không hề ý thức về cuộc cách mạng đang diễn ra nơi đất liền.

Bộ lạc trên đảo Anh tuyệt chủng do ảnh hưởng của du lịch
 
 

Hòn đảo St Kilda đã tồn tại trong nhiều thế kỷ với cách sống tự cung tự cấp đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn vào cuối thời đại Victoria. Khi đó, những du khách mạo hiểm vượt qua vùng biển động từ đất liền đến nơi này và ngạc nhiên trước cuộc sống cô lập của người dân.

Những thay đổi do khách du lịch trong thế kỷ 19 để lại khiến người St Kilda sống trên đảo phải từ bỏ cuộc sống lâu đời của họ. Người St Kilda cuối cùng, Rachel Johnson, qua đời vào tháng 4/2016 ở tuổi 93, đã di tản khỏi hòn đảo lúc 8 tuổi.

Cuộc sống đặc trưng của người St Kilda hình thành do khoảng cách địa lý cô lập với đất liền cùng khí hậu khắc nghiệt, nhiều bão lớn. Người St Kilda hiểu biết rất ít về tình hình chính sự trong nước và quốc tế. Những người này nói tiếng Gaelic, họ lập ra một “nghị viện”, nơi những người đàn ông tụ họp mỗi sáng nhằm quyết định các hoạt động trong ngày mà mọi người phải làm.

Bộ lạc St Kilda không đánh bắt vì vùng biển dữ dội, nguồn thức ăn chính của họ là chim biển, trong đó chủ yếu là chim hải âu và ó biển. Để có thể săn bắt những con chim biển này, dân bản địa cần có các kỹ năng leo núi tốt, đặc biệt là trên các núi đá cao dốc lao ra biển. Sau mỗi ngày săn bắt, sản lượng chim sẽ được chia đều, ngay cả những người già yếu không thể tham gia giết mổ cũng có phần.

Trong thế kỷ 19, tàu hơi nước bắt đầu tới St Kilda, đưa du khách từ lục địa đến thăm thú, và một cộng đồng sống cô lập trong nhiều thế kỷ bắt đầu phải chịu những tàn phá do sự tương tác với bên ngoài. Du lịch cho phép người dân đảo kiếm tiền từ việc bán trứng chim, nhưng họ phải trả giá cho lòng tự trọng và niềm tự hào khi du khách chỉ coi họ như những đồ vật hiếm thấy thú vị.

Dòng khách du lịch đổ xô tới không chỉ làm cư dân bản xứ tò mò về thế giới bên ngoài, mà còn mang đến những căn bệnh chết người chưa ai biết tới trước đây trên hòn đảo, như uốn ván. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong tăng đến 80% vào cuối những năm 1800. Sau năm 1851, dân số trên đảo không vượt quá 100 người. Những người dân sống sót nhờ chăn nuôi cừu, một số gia súc và số lương thực ít ỏi.

Ngoài ra, ảnh hưởng của Kitô giáo đã làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động hàng ngày. Một nhà truyền giáo từng đến St Kilda năm 1822 khẳng định những cư dân tại đây đã tham gia các buổi cầu nguyện hàng ngày và thấm nhuần nỗi sợ về “thế giới bên kia”. Trong ảnh là một nhà thờ trên đảo vào sáng chủ nhật.

Ảnh hưởng của sự tiếp xúc từ bên ngoài và sự hiện diện của quân đội trên đảo trong Thế chiến thứ nhất dẫn đến sự diệt vong của St Kilda. Sau chiến tranh, hầu hết đàn ông trẻ rời đảo và dân số đã giảm từ 73 người vào năm 1920 xuống còn 37 năm 1928.

Sau cái chết của bốn người đàn ông do bệnh cúm vào năm 1926, dân đảo đã phải hứng chịu mất mùa liên tục trong những năm 1920. Sau cái chết của một phụ nữ trẻ, Mary Gillies và con gái sơ sinh, do mắc viêm phổi vào tháng 1/1930, người St Kilda quyết định di tản vào ngày 30/8. Con tàu mang tên Harebell đã đưa 36 người cuối cùng đến Morvern trên đất liền Scotland.

Thu Thảo

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net