Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 14/5/2018, 09:12 (GMT+7)

6 điều gây sốc tại Việt Nam trong mắt cô gái Hà Lan

Dù yêu Việt Nam, phượt thủ Hà Lan không thể tránh khỏi những cú sốc văn hoá như giao thông hỗn độn, ô nhiễm hay thói quen của người dân.

Aygin rời bỏ cuộc sống quy củ của mình tại Hà Lan để khám phá Việt Nam hè 2017. Cô chia sẻ trải nghiệm của mình để những người mê xê dịch có thể chuẩn bị tinh thần, thay vì lấy đó làm lý do để gạch tên đất nước này khỏi danh sách những quốc gia phải đến một lần trong đời.

Việt Nam là một điểm đến nằm trong dự định của tôi từ lâu, vì vậy khi có cơ hội tới đất nước của đen đá không đường, tôi không thể chỉ đi một chuyến kéo dài nửa tháng. Tôi phải sống cuộc đời của một người Việt, nên quyết định tận dụng tối đa visa 3 tháng để đi từ bắc chí nam. Bạn trai đi cùng tôi dịp này, cơ hội vượt qua những cú sốc văn hoá sẽ cao hơn khi bạn có người đồng hành. Cú sốc đầu tiên ập tới ngay lập tức khi chúng tôi đặt chân đến TP HCM.

Giao thông hỗn độn

Tôi tưởng mình đã quá quen với giao thông tại Bắc Kinh hay Teheran, nhưng những thành phố này chẳng là gì so với TP HCM, nơi có hàng triệu chiếc xe máy trên đường.

Vỉa hè trở thành chỗ đỗ xe, khiến người đi bộ phải xuống lòng đường. Vậy là trên đường sẽ có cả khách bộ hành, xe hơi, xe máy, xe đạp chở cồng kềnh, xe khách, container...

Mọi người dường như đi theo dòng xe hỗn loạn, còn nhấn còi chỉ là cách để người khác biết đến sự tồn tại của họ, mà không hẳn để nhắc người khác tránh đường. Tuy nhiên, sau hai tuần sống trong thành phố, chúng tôi dần tin rằng phương thức di chuyển này thực sự hiệu quả với người dân. Lạ lùng thay (và cũng thật vui mừng), chúng tôi không gặp một vụ tai nạn nào.

Cả hai quyết định rời thành phố và bay đến Phú Quốc - hòn đảo bình yên và xinh đẹp khiến chúng tôi cảm thấy đủ an toàn để thuê xe máy tự khám phá nhiều hơn. Đó cũng chính là khi cú sốc thứ hai xảy đến.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Đáng tiếc, không chỉ người dân có tư tưởng "nếu tôi không xả rác, người khác sẽ làm thế", nhiều du khách thản nhiên vứt mọi thứ xuống đất bởi đường sá vốn đầy rác rưởi. Đó là lý do khiến nhiều bãi biển ở Phú Quốc trở nên xấu xí, những núi rác chắn lối trong rừng.

Nhiều tổ chức đang ngày đêm nỗ lực để dọn dẹp rác thải, nhưng đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Hy vọng chính quyền sẽ đưa ra giải pháp tối ưu thật nhanh chóng, ngay cả lệnh cấm sử dụng túi nilon cũng là khởi đầu tích cực.

Chúng tôi lang thang khắp Phú Quốc rồi bắt đầu dịch chuyển tới Đà Nẵng và Hội An. Khi đã thăm thú nhiều thành phố khác nhau, từ phong cảnh, đặc sản cho tới thời tiết, con người... chúng tôi đối mặt với cú sốc tiếp theo.

Chặt chém

Dù người Việt "siêu" tốt bụng, hay giúp đỡ và niềm nở, nhiều chủ cửa hàng không thể bỏ qua cơ hội kiếm lời từ du khách. Tôi không trách họ. Ngay cả khi họ có hét giá gấp đôi một tô phở thì với tôi nó vẫn chỉ tốn 2 euro. Nhưng không dễ chịu gì khi bạn biết mình đang bị lừa, đặc biệt vào giây phút họ lầm bầm vì khách từ chối lời chào hàng; hoặc họ nhìn nhau mỉm cười đầy ẩn ý sau khi mọi sự ân cần lúc khách hỏi giá như tan biến.

Một khi biết vài từ tiếng Việt, bạn sẽ được tôn trọng hơn và mặc cả dễ dàng.

Thói quen và cách hành xử

Tôi cho rằng gây ồn ào là thô lỗ. Tuy nhiên, nhiều người Việt không có quan niệm như vậy. Họ đi đứng cũng phát ra tiếng động với đôi chân lê dép trên đường, khạc nhổ, ngoáy mũi... Tôi khá nhạy cảm với những hành động này bởi tôi mắc chứng misophonia (ghét tiếng ồn) và ưa vệ sinh sạch sẽ.

Những mảng đối lập

Việt Nam là một đất nước có nhiều mặt đối lập, ví dụ như khoảng cách giàu nghèo. Trên một con phố tại TP HCM, bạn sẽ thấy những ngôi nhà không điện đóm hay đồ đạc bên trong, bọn trẻ chơi ngoài sân mà chân không giày dép, áo quần dúm dó. Trong khi một con phố song song có thể san sát hàng hiệu từ Louis Vuitton đến Chanel, luôn tấp nập những người Việt thượng lưu và du khách.

Tại Phú Quốc, người địa phương sống ven đường trong những ngôi nhà tạm xây để có chỗ ngủ chứ không phải không gian sống. Nhưng chỉ cần đi thêm vài con phố bạn sẽ thấy những khách sạn 5 sao dần mọc lên, rừng xanh bị thay thế bằng những công trình bê tông. Mọi thứ dường như được tạo ra cho du khách, người nước ngoài, thay vì nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Một mảng đối lập đáng nhắc tới chính là phong cảnh của Việt Nam. Từ những đô thị tấp nập, tới những cây cầu tuyệt vời của Đà Nẵng, hang động thần tiên của Phong Nha, những ngọn núi hùng vĩ của Ninh Bình hay đồng lúa thơ mộng của Mai Châu... cứ nửa tiếng bạn lại gặp một khung cảnh mới, đẹp đến nghẹt thở.

Điều tôi muốn nói đến nữa chính là thời trang của người Việt. Những người phụ nữ có tuổi thường mặc bộ liền sặc sỡ như đồ ngủ người phương Tây hay mang ở nhà. Trong khi đó, tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP HCM, chúng tôi phải ngạc nhiên trước hàng loạt cửa hàng thời trang, bán những món đồ thực sự độc đáo.

Ẩm thực

Tôi sẽ khép lại những cú sốc với điều tuyệt vời nhất: Ẩm thực Việt. Những món ăn này khiến tôi phải bật ra loạt câu hỏi: "Suốt cả đời mình tôi đã ăn những gì vậy?" hay "Tại sao món này không có ở Hà Lan?".

Sức hút của văn hoá ẩm thực tại đất nước này kéo mọi người lại gần nhau hơn. Dù giàu hay nghèo, bạn luôn tìm thấy thứ gì đó để ăn khi đến Việt Nam. Từ một gánh hàng rong ven đường với tô phở chưa đến 1 euro cho tới một nhà hàng cao cấp phục vụ đặc sản nhiều vùng miền. Mọi người luôn tìm được lựa chọn hoàn hảo cho chính mình. Ảnh: Huyền Phạm.

Mọi thứ đều tươi ngon với hương vị khó cưỡng, khiến bạn muốn thử tất cả các món. Dù người Việt ăn nhiều thịt lợn, bạn vẫn có thể ăn một bữa chay ngon lành và có vô số kiểu chế biến với gạo từ bánh tráng, bánh gạo tới nem cuốn... Ảnh: Phong Vinh.

Vài đặc sản lạ lùng phải kể đến như chân gà, trứng gà non, dê chiên cả con... và cà phê đá! Việt Nam là nữ hoàng cà phê đích thực, tôi nhớ hương vị ấy mỗi ngày. Bạn hãy thử loại phổ biến, như cà phê sữa, bạc xỉu cốt dừa và cà phê trứng xem đâu là kiểu mình thích nhất. Ảnh: Hương Chi.

Theo Aygin/Story of My World

Phạm Huyền

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net