Cô gái 24 tuổi người Trung Quốc và là du học sinh ngành kế toán còn phải đóng thêm 165 USD phí vệ sinh hàng tuần và 75 USD phí của tấm bảo vệ đệm cho chủ nhà.
"Khi chuyển đến, tôi nhận ra mình bị lừa. Tôi chưa bao giờ thấy tấm bảo vệ đệm mà chủ nhà từng nói", Wan cho biết.
Phòng trọ này được Wan tìm trên mạng trước khi tới Australia. Cô đã liên hệ với chủ nhà trọ qua mạng xã hội WeChat. Khi biết bị lừa, Wan đã tới Trung tâm pháp lý Redfern tìm kiếm sự giúp đỡ. Đơn kiện của Wan được gửi tới Tòa án dân sự và hành chính New South Wales và chủ nhà trọ của cô phải ra hầu tòa sau đó.
Theo phán quyết của tòa, chủ nhà trọ phải trả lại Wan 3.600 USD tiền đặt cọc và thuê nhà thu thêm.
"Bây giờ tôi luôn cảnh giác mỗi khi thuê trọ", Wan nói. Du học sinh này cho biết thêm việc thuê trọ cũng gây ra nhiều áp lực về tài chính và tinh thần trong thời gian học tập tại Sydney.

Jiaying Wan, du học sinh 24 tuổi người Trung Quốc. Ảnh: ABC News.
Tuy nhiên, Jiaying Wan không phải là du học sinh duy nhất gặp phải vấn đề này. Theo một báo cáo vừa được công bố, du học sinh thường trở thành "con mồi" của các chủ nhà trọ ở Australia.
Kết quả nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học New South Wales (UNSW) chỉ ra gần một nửa trong số 2.440 sinh viên quốc tế được hỏi từng là nạn nhân trong các vụ lợi dụng, lừa đảo của chủ nhà trọ, hoặc phải sống trong các căn phòng tồi tàn. Họ phải thuê nhà với giá cắt cổ, sống trong các khu trọ đông đúc và không an toàn, thậm chí còn bị người thuê trọ cùng nhà quấy rối và đe dọa.
Giảng viên luật tại UTS, đồng thời là tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Laurie Berg cho biết tình trạng này đã không được kiểm soát.
"Sinh viên quốc tế là các đối tượng dễ bị tổn thương, bởi họ phải sống xa nhà và không biết về quyền lợi của mình. Họ không có gia đình hay bạn bè ở đây nói cho họ biết", Berg nói. "Họ cần một nhà trọ giá cả phải chăng trong thị trường nhà trọ cho thuê đông đúc hiện tại. Những quy định lỏng lẻo tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ tiếp tục lộng hành, bởi họ biết rất dễ để thoát tội".
Akanksha, một cựu du học sinh Ấn Độ, cho biết từng sống trong một phòng trọ chật chội với hai người khác trong vài tháng, sau khi tới Melbourne theo học ngành quản lý dự án năm 2016.
Phòng bếp ở đó không có chậu rửa, và cô luôn sống trong nỗi lo sợ có thể bị thương bất kỳ lúc nào trong không gian chật chội đó. "Tôi không thấy an toàn khi sống ở đó", Akanksha chia sẻ.
Tiến sĩ Berg cho rằng những câu chuyện như của Wan hay Akanksha chia sẻ trên các phương tiện truyền thông chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, và các nhà chức trách cần có giải pháp cho vấn đề này.
"Chính phủ hầu như không có hành động gì để ngăn chặn các vụ lừa đảo, hoặc có thì cũng là các hình phạt rất nhẹ. Do đó, nó không đủ sức để ngăn chặn", Berg cho biết.
Báo cáo cũng đưa ra 7 khuyến nghị cho các trường đại học và chính phủ, trong đó có việc phát triển dịch vụ nhà ở cho du học sinh, cung cấp các hỗ trợ pháp lý tốt hơn và có biện pháp răn đe với các chủ nhà trọ.
Năm 2018, có 876.000 sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học, cao đẳng nghề hay trường dạy tiếng Anh ở Australia.
"Nếu chúng ta muốn có nhiều sinh viên từ các quốc gia khác đến Australia, chúng ta cần khẩn trương thực hiện các thay đổi để đảm bảo họ không bị lợi dụng và có cơ hội phát triển ở đất nước này", tiến sĩ Berg nhận định.
Thanh Tâm (Theo ABC News)