Nhiều bà mẹ từng rất bối rối khi chọn sữa cho con. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hầu hết các sản phẩm sữa nhiễm melamine trong nước đều nằm dưới ngưỡng tối đa mà Bộ Y tế vừa ban hành. Tuy nhiên, các sản phẩm này khó mà được người tiêu dùng tiếp nhận cho dù được phép lưu thông lại.
Ngày 12/12 vừa qua, Bộ Y tế, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra thông cáo chung về mức giới hạn của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm tại Việt Nam. Theo đó, lượng melamine trong thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi không quá 1mg/kg (<= 1ppm). Các loại thực phẩm khác không vượt quá ngưỡng 2,5mg/kg (< = 2,5ppm).
Các mức giới hạn này được đưa ra dựa trên lượng ăn vào hàng ngày chịu đựng được, đã được WHO thiết lập là 0,2mg/kg trọng lượng cơ thể. Theo ngưỡng này, một người nặng 50kg nếu ăn 10mg melamine/ngày sẽ không bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, đa số sản phẩm sữa Việt Nam trước đây kiểm nghiệm nhiễm melamine đều dưới ngưỡng cho phép. Những sản phẩm này nếu đảm bảo chất lượng, còn thời hạn sử dụng thì sẽ được lưu hành lại trên thị trường. Danh sách cụ thể sẽ rà soát lại và công bố trong đầu tuần tới để sớm giải toả các lô sữa đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, theo ông Vũ Hạnh, phụ trách maketting Công ty Cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk), dù tất cả các sản phẩm bị nhiễm melamine của công ty đều ở mức thấp hơn nhiều giới hạn cho phép của Bộ Y tế nhưng chắc chắn chúng không thể bán lại trên thị trường.
Cụ thể, sữa chua có đường chỉ dùng trong 35 ngày sau sản xuất thì đã quá hạn, sản phẩm sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla cũng chỉ còn hạn sử dụng trong tháng 1 và 2/2009 và như thế thì chẳng cửa hàng nào dám mua vào để bán. Ngoài ra, số nguyên liệu sữa bột nhiễm melamine ở mức thấp thì tới 2/3 đã quá date hoặc cận date, nếu không cũng rất khó bán khi đã mang tai tiếng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, giám đốc công ty An Co cũng bày tỏ: "Chúng tôi không hy vọng gì việc bán lại số sản phẩm nhiễm melamine dù ở mức thấp, bởi sau 3 tháng kể từ vụ sữa nhiễm độc thì hầu hết sản phẩm đều sắp hết hạn dùng, mà nếu còn, người tiêu dùng chắc cũng chẳng dám mua".
Vụ sữa nhiễm melamine đã làm khuấy động thị trường sữa trong một thời gian dài. Từ cuối tháng 6/2008, Cơ quan kiểm soát chất lượng thực phẩm Trung Quốc nhận được một đơn khiếu nại về việc 5 trẻ em ở tỉnh Hồ Nam nhập viện vì mắc sỏi thận và tất cả đều sử dụng sữa bột Sanlu. Sau đó, họ phát hiện 69 sản phẩm của 22 công ty chứa melamine trong nước mình. Đến cuối tháng 9, Trung Quốc đã có khoảng 54.000 trẻ bị bệnh vì sữa độc, trong đó gần 13.000 trẻ đang phải điều trị tại bệnh viện và 4 trẻ đã tử vong.
Không chỉ có sữa, nhiều loại sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu sữa có xuất xứ từ Trung Quốc như bánh quy, kẹo, cà phê... cũng đã bị phát hiện nhiễm melamine.
Ngay sau khi có thông báo về sự cố trên, Bộ Y tế Việt Nam đã vào cuộc, truy lùng các sản phẩm sữa nhiễm độc bằng cách bắt buộc kiểm nghiệm melamine đối với các sản phẩm lưu thông trên thị trường cũng như các sản phẩm muốn nhập vào Việt Nam và thông báo rộng khắp kết quả.
Liên tiếp sau đó, nhiều sản phẩm đã được xác định là "dính" melamine, đều có liên quan với nguyên liệu từ Trung Quốc, trong đó có những tên tuổi lớn như HanoiMilk, An Co..
Ngày 7/10, Bộ Y tế thông báo bước đầu về việc kiểm soát tình trạng nhiễm melamine trong sữa và nguyên liệu sữa nhưng khẳng định chưa chấp nhận bất kỳ hàm lượng melamine nào trong thực phẩm. Do đó tất cả các sản phẩm phát hiện có chứa melamine dù với cực nhỏ cũng bị thu hồi.
Tính đến ngày 11/11 có 32 sản phẩm bị ghi vào danh sách "đen".
Đến 12/12, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành giới hạn an toàn của melamine là 0,2 mg/kg trọng lượng cơ thể người, Bộ Y tế cũng đưa ra ngưỡng melamine tối đa là 1 mg/kg đối với thực phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và 2,5 mg với các thực phẩm khác.
Minh Thùy