Thông tin tích cực về số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 10/9, rớt xuống mức thấp nhất trong 2 tháng đã không đủ để giúp thị trường mở cửa bật cao. Báo cáo lĩnh vực sản xuất của FED cho thấy, bất chấp việc đã hồi phục phần nào trong tháng 9, hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực Philadelphia vẫn trong trạng thái suy giảm tháng thứ hai liên tiếp trong 9 tháng. Chỉ số sản xuất giảm 0,7% từ mức sụt 7,7% trong tháng 8.
Kết thúc phiên, chỉ số Dow Jones Industrial củng cố đỉnh cao 5 tuần, ghi thêm 22,1 điểm, tương ứng 0,2%, lên 10.594,83 điểm. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 nhích nhẹ 0,1% vào chung cuộc, trước đó đã có thời điểm chỉ số này mất tới 0,6%, đóng cửa tại 2.303,25 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đi ngang, chốt phiên ở 1.124,66 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu điều chỉnh ngày thứ hai liên tiếp. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực DJ Stoxx 600 thoái lui 0,8%, xuống 263,47 điểm. Thống kê từ đầu tháng 9, chỉ số này đã tăng được 4,8%. Sắc đỏ phủ kín trên tất 15 bảng điện tử. Chứng khoán Pháp mất 0,5%. Các hàn thử biểu gồm FTSE 100 của Anh và DAX 30 của Đức lần lượt hạ 0,3% và 0,2%.
Chứng khoán châu Á cũng hạ nhiệt phiên đầu tiên trong 6 ngày trước sự suy yếu của nhóm cổ phiếu khai mỏ và ngân hàng. Chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI giảm 0,5%, xuống 123,39 điểm. Thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhất trong khu vực do mối quan ngại các ngân hàng nước này sẽ phải tăng thêm vốn. Được biết, các nhà điều hành ngân hàng nước này cũng đang xem xét tăng lãi suất tiền gửi để chống lạm phát và áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về vốn. Chỉ số tổng hợp Shanghai Composite lao dốc 1,9%.
Các thị trường từ Đài Loan, sang Hàn Quốc, Ấn Độ lần lượt giảm từ 0,8% đến 0,6%. Chứng khoán Hong Kong, Đài Loan và Nhật Bản cùng giảm 0,2%. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) quyết định nâng lãi suất cho vay từ 5.75% lên 6% lần thứ năm trong năm nay giữa bối cảnh lạm phát nước này sắp chạm mức 2 con số. Bên cạnh đó, RBI cũng nâng lãi suất huy động từ 4.5% lên 5%, cao hơn mức dự báo 4.75% của các nhà kinh tế.
Trên các thị trường hàng hóa, giá vàng thế giới lại lập kỷ lục mới trong lịch sử. Đồng đôla suy yếu và những bất ổn liên quan đến sự ổn định của kinh tế và tài chính toàn cầu tiếp tục đóng vai trò là đòn bẩy đẩy giá kim loại quý leo thang. Nhà đầu tư trong sợ hãi tìm đến vàng như một nơi để đảm bảo giá trị của đồng tiền. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 có lúc nhảy vọt lên 1.279,5 USD, cao hơn 3 đôla so với kỷ lục cũ vừa lập hôm 14/9.
Giá dầu thô xuống mức thấp nhất trong một tuần bất chấp thông tin tốt lành từ phía nhà khai mỏ Canada Enbridge Energy rằng, sự cố tràn dầu tại giàn khoan 6A Line sẽ được khắc phục vào cuối tuần này. Các hãng khai mỏ Canada hiện là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Mỹ, với khối lượng bình quân 2,2 triệu thùng một ngày, thống kê đến hết quý 2. Riêng Enbridge Energy bán 670.000 thùng/ngày cho các công ty năng lượng tại khu vực Trung Mỹ. Trên sàn hàng hóa NYMEX, giá dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn tháng 10 hạ 1,45 đôla (1,9%), xuống 74,57 đôla một thùng.
Trên thị trường ngoại hối New York, đồng euro tăng giá ngày thứ ba liên tiếp so với đôla giữa những lạc quan về đợt phát hành trái phiếu trị giá 4 tỷ đôla kỳ hạn 10 năm và 30 năm của Tây Ban Nha thành công ngoài dự đoán. Tỷ lệ hoán đổi giữa euro và đôla nới rộng 0,6%, lên 1,3088 đôla. Trong khi đó, đồng yen tiếp tục đi xuống, mỗi đôla đổi được 85,87 yen, nhích nhẹ 0,1%. Số liệu chính thức về đợt can thiệp lần đầu tiên trong 6 năm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào thị trường ngoại hối hôm thứ Tư vừa qua là 1,8 nghìn tỷ yen (21,14 tỷ đôla).
Nguyễn Hùng