Nằm trong danh mục chịu thuế dự kiến là các loại khoáng sản kim loại, không kim loại, dầu mỏ, khí đốt, khí than, sản phẩm của rừng tự nhiên, thủy sản tự nhiên, nước thiên nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên khác. Tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên dưới mọi hình thức đều phải nộp thuế theo quy định.
Trường hợp bên Việt Nam tham gia liên doanh với nước ngoài theo Luật Đầu tư mà góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà bên Việt Nam dùng để góp vốn. Nếu doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp đồng chia sản phẩm, thì thuế tài nguyên phải nộp của doanh nghiệp liên doanh hay của bên nước ngoài phải được xác định trong hợp đồng liên doanh và tính vào phần sản phẩm chia cho bên Việt Nam. Khi chia sản phẩm khai thác, bên Việt Nam có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên vào ngân sách nhà nước.
Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất. Riêng đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than, căn cứ tính thuế tài nguyên được xác định trên cơ sở lũy tiến từng phần của tổng sản lượng bình quân mỗi ngày khai thác được của toàn bộ diện tích hợp đồng, thuế suất thuế tài nguyên và số ngày khai thác trong kỳ tính thuế.
Thuế tài nguyên đối với khai thác dầu khí, được nộp bằng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, bằng tiền hoặc một phần tiền và một phần sản phẩm tùy theo sự lựa chọn của cơ quan thuế.
Thuế suất cao nhất 40% áp dụng với hoạt động khai thác gỗ rừng tự nhiên (loại tròn, nhóm I). Hoạt động khai thác dầu, khí chịu thuế suất lũy tiến theo sản lượng khai tháng mỗi ngày, cao nhất là 25%. Thuế suất với vàng là 9%, trong khi kim cương 16%.
Dự thảo nghị định đang được Chính phủ công bố để lấy ý kiến đóng góp trước khi ban hành và đưa vào thực thi từ ngày 1/1/2009.
Kỳ Duyên