Trong tờ trình gửi Chính phủ, Đồng Nai kiến nghị giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hai dự án đường sắt trên. Theo đó, dự án Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, điểm cuối tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài tuyến là 37,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư - PPP.
Dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Dự án có chiều dài 65 km, tổng mức đầu tư 50.822 tỷ đồng cùng theo hình thức PPP.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sau khi Thủ tướng chấp thuận giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tỉnh sẽ khẩn trương tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai thực hiện các dự án để khai thác đồng bộ với tiến độ của Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2025.
Hai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đều nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.
Các dự án này cũng đã được đưa vào quy hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, ở phía Nam có 4 tuyến đường sắt gồm Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài 84 km; tuyến TP HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng dài 174 km; tuyến TP HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến sân bay quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách dài khoảng 38 km.