Một người phụ nữ đau khổ vì mất mẹ trong trận động đất kinh hoàng tại Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Hơn 69.000 người được xác nhận đã chết do chấn động mạnh 7.9 độ richter đánh vào tỉnh Tứ Xuyên chiều 12/5.
Trận động đất cũng gây ngạc nhiên cho giới khoa học. Các nhà địa chấn của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đang vận hành hệ thống 25 trạm theo dõi trong vùng hơn 1 năm qua đã không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy một rung động lớn như vậy có thể xảy ra.
"Không ai nghĩ rằng sẽ có một sự kiện địa chấn lớn như vậy trong vùng này. Trận động đất này là khá bất thường", Leigh Royden từ viện MIT cho biết.
Vùng xảy ra động đất có địa lý cực kỳ khác lạ, bởi ở biên giới giữa bồn trũng Tứ Xuyên về phía đông và Cao nguyên Tây Tạng về phía tây là các sườn rất dốc. Độ cao dâng lên đến hơn 3,5 km chỉ trên một khoảng cách 50 km.
Khu vực này nằm ở biên giới giữa mảng thạch quyển Ấn Độ và châu Á, nơi mà sự va chạm giữa hai mảng đã tạo ra dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng.
Theo nhóm nghiên cứu, lớp vỏ trái đất ở đây đang trượt đi nhanh về phía đông. Nhưng ở khu vực nơi có động đất xảy ra, nó bị mắc lại bởi một vật cản lớn - bồn trũng Tứ Xuyên. Vỏ trái đất và lớp quyển mềm bên dưới bồn trũng này dường như hình thành nên một nút tắc cứng, lạnh, khiến cho dòng chảy "bao lấy nút tắc". Sự chênh lệch độ cao lớn giữa bề mặt cao nguyên và bồn trũng Tứ Xuyên đã tích lũy sức căng, gây nên động đất.
Những sự cố tương tự chỉ xảy ra sau khoảng trung bình 2.000 đến 10.000 năm, nhóm nghiên cứu nói. Tuy nhiên họ cũng lưu ý vì động đất có thể xảy ra theo loạt, nên người dân nên đề phòng trước những động đất cỡ lớn khác có thể xảy ra.
T. An (theo LiveScience)