
Tuần dương hạm Đô đốc Graf Spee hồi năm 1936. Ảnh: Wikipedia.
Đô đốc Graf Spee là tàu tuần dương lớp Deutschland được Đức đóng năm 1932, khi nước này bị cấm chế tạo tàu chiến có lượng giãn nước trên 10.000 tấn theo điều khoản hiệp ước Versailles được ký sau Thế chiến I. Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân nhỏ nhưng tinh nhuệ của Đức, nhưng nó lại bị đánh đắm chỉ bởi đòn tâm lý của hải quân Anh.
Đô đốc Graf Spee có lượng giãn nước tới 16.000 tấn, nên để lách quy định của hiệp ước Versailles, Đức gọi nó là "tàu bọc thép". Dù chỉ có kích thước bằng một phần ba thiết giáp hạm Bismarck nổi tiếng sau này, Graf Spee vẫn được trang bị hải pháo cỡ nòng 279 mm, thay vì các khẩu pháo 203 mm như tàu tuần dương hạng nặng thời đó.
Là một trong những tàu chiến đầu tiên sử dụng hoàn toàn động cơ diesel, Đô đốc Graf Spee sở hữu hoả lực mạnh, khả năng cơ động cao và dự trữ hành trình dài, khiến nó là vũ khí lý tưởng cho nhiệm vụ săn lùng, tiêu diệt tàu buôn phe Đồng minh. Quân đội Anh gọi lớp Deutschland là "thiết giáp hạm bỏ túi".
Năm 1939, tuần dương hạm Đô đốc Graf Spee dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng Hans Langsdorff nhận lệnh tiến về phía nam với nhiệm vụ đánh chìm các đoàn tàu buôn ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Trong một thời gian ngắn, "thiết giáp hạm bỏ túi" của Đức đã đánh chìm 9 tàu của đối phương với tổng khối lượng 50.000 tấn.
Sự xuất hiện của Đô đốc Graf Spee khiến hải quân Anh chú ý. Họ nhanh chóng xác định vùng hoạt động của tàu chiến Đức nhờ thông tin cầu cứu từ các tàu buôn. Một trong các nhóm tàu chiến nhận nhiệm vụ săn lùng Đô đốc Graf Spee nằm dưới quyền phó đề đốc Henry Harwood, gồm tuần dương hạm hạng nặng HMS Exeter cùng hai tàu tuần dương hạng nhẹ HMS Achilles và HMS Ajax.
Harwood dự đoán chiến hạm Đức sẽ tiến về cửa sông Plate nằm giữa Argentina và Uruguay sau khi đánh chìm tàu buôn Doric Star. Sáng sớm 13/12/1939, lực lượng của Harwood phát hiện cột khói của Đô đốc Graf Spee ở đường chân trời. Phía Đức cũng phát hiện tàu chiến Anh nhưng cho rằng đó chỉ là tàu khu trục hộ tống đoàn tàu vận tải. Đến khi hạm trưởng Langsdorff nhận ra sai lầm thì đã muộn, ba tàu chiến Anh với lợi thế hoả lực đã tăng tốc tối đa để tiếp cận.
Tàu của Langsdorff không có nơi ẩn náu và sửa chữa nếu bị hư hại do phe Trục không có cảng đồng minh ở Nam Mỹ, buộc nó phải thực hiện hành trình dài 13.000 km, vượt qua vòng phong toả của phe Đồng minh để trở về Đức. Đây cũng là lý do Bộ chỉ huy Đức yêu cầu Đô đốc Graf Spee không được giao chiến với tàu có lượng giãn nước lớn hơn.
Tuy nhiên, Langsdorff không còn lựa chọn nào khác, bởi động cơ của Đô đốc Graf Spee đang rất cần được bảo dưỡng sau nhiều tháng hoạt động trên biển nên khó có thể chạy thoát khỏi đội tàu Anh. Đối phương cũng có thể gọi lực lượng chi viện chặn đường trong quá trình truy đuổi. Bởi vậy, hạm trưởng Đức ra lệnh tăng tốc tiến thẳng vào đội hình tàu Anh để giao chiến.

Đô đốc Graf Spee tiến vào cảng Montevideo sau trận đánh. Ảnh: Wikipedia.
Ba tuần dương hạm của Anh tấn công Đô đốc Graf Spee từ nhiều phía, buộc đối phương phân tán hoả lực đối phó. Khi pháo Đức nhằm vào HMS Exeter, chiếc Achilles và Ajax sẽ tận dụng tốc độ để tấn công giải nguy. Cả hai bên đều phóng ra nhiều ngư lôi nhưng trượt mục tiêu.
Sau 30 phút chiến đấu, lợi thế thuộc về phe Đức khi HMS Exeter thiệt hại nặng với cụm pháo chính bị bắn hỏng và đài chỉ huy hư hại, tàu HMS Achilles và HMS Ajax cũng trúng nhiều phát đạn. Dù có thể đánh chìm tàu Anh, hạm trưởng Langsdorff quyết định rút lui bởi Đô đốc Graf Spee cũng bị một quả đạn pháo làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống tiếp nhiên liệu đến mức nó chỉ còn đủ lượng dầu cho 16 tiếng hoạt động.
Hư hại này khiến tàu chiến Đức không thể trở về nước. Langsdorff hiểu rằng phía Anh sẽ tiếp tục điều tàu tiếp viện để đánh chìm chiến hạm của mình, nên quyết định cập cảng Montevideo của Uruguay, một quốc gia trung lập. Đô đốc Graf Spee vẫn bị biên đội tàu của Harwood bám theo trong hành trình đến nơi trú ẩn.
Khi đến cửa sông Plate, Langsdorff nhận ra mình đã "chui đầu vào rọ" bởi tàu chiến nước ngoài chỉ được lưu lại cảng trung lập trong 24 tiếng và hải quân Anh đang canh sẵn ngoài cảng. Luật quốc tế cũng quy định các chiến hạm phải chờ 24 giờ sau khi tàu buôn đối phương rời đi mới được nhổ neo. Lực lượng Anh và Pháp sắp xếp để các tàu buôn của họ thay nhau rời cảng Montevideo nhằm giữ chân Đô đốc Graf Spee.
Trong thời gian đó, Phó đề đốc Harwood cho tàu chiến tập kết cách lãnh hải Uruguay 5 km và liên tục phun khói, làm thủy thủ đoàn Đức tin rằng Anh có lực lượng lớn ngoài khơi. Trên đất liền, tình báo Anh tung tin đồn nước này đã điều một tàu sân bay và một tuần dương hạm hạng nặng đến tiếp viện, dù thực tế lực lượng Anh chỉ được bổ sung tàu tuần dương HMS Cumberland lạc hậu và nó cũng mất vài ngày mới đến nơi.
Các tàu chiến Anh khi đó đã gần cạn đạn pháo, nên nếu liều mình ra khơi, tàu Đô đốc Graf Spee vẫn có thể lết được tới Argentina, quốc gia trung lập nhưng có cảm tình với Đức.
Tuy nhiên, chính phủ Uruguay thân Anh đã gây sức ép, tuyên bố sẽ tịch thu tàu và bắt giam thuỷ thủ đoàn nếu Đô đốc Graf Spee không rời cảng. Bộ chỉ huy ở Berlin yêu cầu Langsdorff không được phép để tàu bị bắt.
Không muốn hy sinh mạng sống của thuỷ thủ cho trận chiến không cân sức với hạm đội Anh, Langsdorff ra lệnh đánh chìm tàu Graf Spee vào ngày 17/12/1939. Uruguay sau đó cho phép Langsdorff cùng thuỷ thủ đoàn đến thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Đô đốc Graf Spee sau khi bị thủy thủ đoàn phá hủy. Ảnh: Wikipedia.
Khi đến nơi, Langsdorff và thủy thủ đoàn bị báo chí Argentina gán tội danh hèn nhát, Buenos Aires cũng định tống giam họ thay vì đưa về nước. Hai ngày sau, Langsdorff viết bức thư tuyệt mệnh gửi tới đại sứ Đức tại Argentina, khẳng định ông muốn bảo toàn danh dự bằng cách "chìm cùng con tàu của mình". Hạm trưởng Đức nằm lên lá cờ Đức và tự bắn vào đầu.
Sự kiện Đô đốc Graf Spee bị đánh đắm đã giáng đòn nặng nề vào lực lượng hải quân của Hitler, vốn có số lượng ít và chi phí chế tạo rất đắt đỏ. 6 tháng sau, thiết giáp hạm Bismack lớn nhất nước này bị đánh chìm trên Đại Tây Dương. HMS Exeter, tuần dương hạm tham gia trận chiến với Đô đốc Graf Spee, bị quân Nhật đánh chìm 8 tháng sau ở biển Java.
Lã Linh (Theo National Interest)