Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam cho hay bản thân quỹ và một số quỹ khác đang tạm dừng mua bán để cân nhắc kế hoạch tiếp theo. Xét về ngắn hạn, thị trường đang nóng nhưng chưa đến mức có nguy cơ bong bóng và sụp đổ, theo quy luật từ giờ đến cuối năm sẽ có những đợt điều chỉnh.
Ông Lam cũng khẳng định rằng các quỹ đầu cơ nước ngoài chưa vào VN bởi thị trường chưa đủ lớn. "Thị trường VN nóng không phải do nhà đầu tư nước ngoài, mà do các nhà đầu tư cá nhân trong nước đua nhau mua mà không suy nghĩ về việc công ty đó tốt hay không tốt, có lợi nhuận hay không", ông nói.
![]() |
TTCK thu hút quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cơ hội đầu tư trên thị trường, theo chuyên gia này, còn rất nhiều, cụ thể là nhiều công ty mới cổ phần hóa giá cổ phiếu rất tốt. Vấn đề đáng quan tâm là khả năng tính toán của nhà đầu tư thế nào. Quan trọng nhất là có sự đón đầu chứ không nên để thị trường nóng lên rồi mới đổ nhiều tiền vào, nhà đầu tư cũng phải biết lựa chọn thời điểm để vào - ra thích hợp.
Danh mục đầu tư của Indochina Capital, quỹ quản lý khoảng 1 tỷ USD vốn nước ngoài, bao gồm đủ cổ phần của các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, liên doanh cổ phần hóa, tài sản có thu nhập ổn định như trái phiếu, cổ phiếu niêm yết. Ông Peter R.Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital, cho hay quỹ này đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư chiến lược của các công ty hàng đầu VN, tập trung ở những lĩnh vực như bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin truyền thông. "Cơ hội đầu tư còn nhiều", Peter R.Ryder nói. Hàng tháng các chuyên gia của quỹ này tiếp xúc với khoảng 20 công ty để tìm kiếm cơ hội.
Là một quỹ mới thành lập, CFA không đặt mục tiêu đầu tư cổ phiếu niêm yết tại TP HCM và Hà Nội. Giám đốc điều hành Nguyễn Xuân Minh cho hay còn rất nhiều cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết hấp dẫn xét về giá và các chỉ số tài chính.
Lọc vốn ngoại
Một trong những chủ đề bên lề diễn đàn được các chuyên gia quan tâm là dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường tài chính VN. Ông Mike Geoghegan, Tổng giám đốc Tập đoàn HSBC toàn cầu, cho rằng dòng vốn ra vào với mỗi nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, rất quan trọng song phải thận trọng với các khoản tiền nóng, vào và có thể ra rất nhanh.
Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Trương Văn Phước nêu quan điểm: "Muốn đồng vốn vào Việt Nam ổn định, phục vụ cho tăng trưởng cần có cơ chế sàng lọc song công cụ thực hiện phải minh bạch, rõ ràng và không gây cho nhà đầu tư cú sốc". Ông Phước nêu thuế và phí như hai công cụ có thể thực hiện hữu hiệu nhất không chỉ để điều tiết lợi tức tư bản mà còn tác động cả các khoản đầu tư dài hạn của nhà đầu tư. Theo chuyên gia này, khi ban hành một chính sách nào đó cần có sự đối thoại để phát tín hiệu trước khi áp dụng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể xoay sở. Nếu cảm thấy những chính sách đó trong tương lai không hợp với khẩu vị thì có thời gian điều chỉnh.
Chia sẻ mối quan tâm trên, ông Peter R.Ryder cho rằng cách đuổi nhà đầu tư nước ngoài nhanh nhất là áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. "Tôi hiểu thị trường có giá trị vốn hóa tăng quá nhanh từ 2 tỷ USD lên 20 tỷ USD trong vòng một năm khiến các nhà quản lý VN lo ngại, nhưng những biện pháp như đánh thuế vào lợi nhuận trên vốn, kiểm soát chặt dòng tiền vào ra khiến nhà đầu tư nhanh chóng chán nản", ông nói.
Vị tổng giám đốc hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp tăng cung để làm dịu cơn khát của nhà đầu tư, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, dỡ bỏ hạn chế đầu tư nước ngoài.
Việt Phong - Song Linh