Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 8/11/2019, 16:03 (GMT+7)

Gia đình 4 thế hệ sống giữa nghĩa trang

Nhà lọt thỏm giữa nghìn ngôi mộ, bà Bùi Xuân Hương, 80 tuổi, chỉ mong đến dịp lễ tết, vì khi đó nhà mới rộn ràng, đông khách đến viếng.

Căn nhà cấp 4, lợp mái tôn của gia đình bà Hương, nằm trong lòng nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lũ, rộng gần một ha ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM.

"Năm 1969, mảnh đất này được hội Kiến An - Ngọc Lũ (Hải Phòng và Hà - Nam - Ninh cũ) mua để chôn cất những người mất trong hội tại Sài Gòn. Sau năm 1975, nghĩa trang thuộc sở hữu của nhà nước và trở thành nơi an nghỉ của nhiều người dân thành phố", bà Hương kể.

Vợ chồng bà Hương được chủ khu đất cho xây nhà giữa nghĩa trang để ở và trông coi các phần mộ. Hơn 50 năm qua, bà Hương nhổ cỏ, quét lá khô, rửa mộ miễn phí. Thỉnh thoảng, người thân những ngôi mộ đến viếng gửi bà ít tiền, "họ muốn cho bao nhiêu thì cho, chứ tui không đòi hỏi", bà nói.

Hàng ngày bà Hương quanh quẩn chăm sóc các phần mộ. Khi hàng xóm đến chơi, đây trở thành nơi để bà nghỉ ngơi và trò chuyện. 

Người đến đây chủ yếu là người thân viếng mộ. Vậy nên, "năm ngoái, có một cô vào mượn tui 200 ngàn, nói mua đồ cúng mộ trong này, tưởng thiệt, tui cho mượn nhưng cô ta đi mất, chờ hoài không thấy quay lại", bà kể.

Bà Hương còn nuôi đàn mèo hoang hơn 20 con đến ở tại nghĩa trang. "Ban đầu chỉ có vài con, tui cho nó ăn ngày hai bữa, dần dần nó kéo đến đông hơn", bà cho biết.

Nhiều năm trước, những người nghiện ngập thường vào nghĩa trang hút chích và ngủ. "Nhiều người tưởng nghĩa trang là nơi không người ở, nên con gì chết người ta cũng quăng vào đây, mấy ngày sau bốc mùi hôi thối tui phải đi kiếm rồi đem chôn. 5 năm trước gia đình tui xây bức tường trước cổng, ngày mở cửa cho người thân đến viếng mộ, đêm đến thì khóa kín”, bà nói.

Anh Đặng Hùng Anh (56 tuổi, con bà Hương), dọn về sống cạnh mẹ hơn 4 năm. Anh trước đây làm nghề thợ hồ, thường nhận đào huyệt, xây mộ tại nghĩa trang. Gần 10 năm nay, phần vì nghĩa trang không còn chỗ, phần vì phường không cho phép chôn nữa nên anh “thất nghiệp”.

Chiếc nắp quan tài được bỏ lại sau khi người thân bốc mộ, anh Hùng Anh tận dụng cưa ra làm củi đốt. “Mình cứ nghĩ nó như một khúc gỗ thôi, đốt bén lắm, con dâu tui nó khoái nấu bằng cái này”, anh cười.

Chị Đinh Thị Tường Vi (33 tuổi, cháu dâu bà Hương) cho biết: "Tôi theo chồng về đây hơn 10 năm, từ trước đến giờ không thấy sợ gì. Ở riết rồi quen, có điện, nước máy dùng, yên tĩnh và mát mẻ, giờ ra nơi khác sống ồn ào lắm".

Khoảng sân nhỏ trước những ngôi mộ là sân chơi của cháu bà Hương sau giờ cơm. 

Tranh thủ lúc vắng khách, chị Tường Vi dạy con học cạnh những phần mộ trước nghĩa trang.

Gia đình bà Hương sum họp sau một ngày làm việc. "Tui ở đây hơn nửa đời rồi, chưa bao giờ có ý định chuyển nhà, ở đâu quen đó, giờ đi nơi khác chắc sống không quen”, bà nói.

Diệp Phan - Hữu Khoa