Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 3/1/2019, 20:00 (GMT+7)

Cô gái đối đầu với gấu nâu, bão tuyết để chụp ảnh

Khoảnh khắc bị con gấu nâu ở Tây Tạng đuổi theo, cô gái Trung Quốc vẫn lăm lăm máy ảnh, chờ nó tới gần hơn để bấm máy.

Cổ Doanh, hơn 30 tuổi là một nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã ở Trung Quốc. Vì những bức ảnh, cô đã vượt qua 7 châu lục, 4 đại dương. Cô còn đến cả Nam Cực, Bắc Cực, Cao nguyên Tây Tạng để tìm ba con vật tiêu biểu nhất ở đó: Chim cánh cụt hoàng đế, gấu bắc cực, linh dương Tây Tạng.

Cô đã dành 3 năm, mỗi lần kéo dài từ 20 ngày đến 2 tháng, đến Khả Khả Tây Lí - nơi được mệnh danh là "vùng cấm của sự sống" bởi độ cao lớn. Sau nhiều lần, Cổ Doanh đã chụp được những bức ảnh "ngàn năm có một".

"Để linh dương Tây Tạng không  phát hiện ra, tôi phải ra khỏi lều lúc trời chưa sáng và giấu camera đợi đàn linh dương ra ăn cỏ. Sau đó tôi ăn uống trong lều và không xuất hiện cho đến khi trời tối", Cổ Doanh nói.

​Cũng sau nhiều lần phục kích, Cổ Doanh cuối cùng đã chụp được khoảnh khắc đàn linh dương và đoàn tàu Thanh Hải -Tây Tạng trong cùng một khung, điều mà chưa nhiếp ảnh gia nào làm được trước đó.

Khi mới vào Khả Khả Tây Lí, lãnh đạo nơi này đã nhắc nhở cô cẩn thận kẻo gặp gấu nâu. Một ngày nọ, khi đang quay phim, Cổ Doanh thấy cả đàn cừu đột nhiên chạy điên cuồng. Qua cửa sổ nhỏ của lều, cô thấy một con gấu nâu đang đến. Khứu giác của nó rất nhạy, nhưng tầm nhìn không tốt nên nó không phát hiện lều của cô.

Sau khi gấu rời đi, Cổ Doanh đột nhiên cảm thấy hối hận: "Tôi nên để nó đến gần hơn một chút để chụp được ở trạng thái tự nhiên. Đối với bất kỳ nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nào, đây là một shot đáng thèm muốn", cô nói.

Kể từ giây phút đó, cô có suy nghĩ phải chụp cận cảnh đầu gấu nâu. Sau nhiều ngày theo dõi, cô đã tìm ra địa điểm của nó và chờ nửa ngày, cuối cùng con gấu cũng xuất hiện.

"Tôi chụp ảnh và quên rằng mình nên rời đi. Khi nó thấy tôi, ngay lập tức lao đến. Tôi chạy nhưng máy ảnh vẫn sẵn sàng với hy vọng có thể chụp được bức ảnh cận hơn. Sau đó, tôi ngã xuống bùn, con gấu lao về chỉ cách tôi 8 mét. Tôi nghĩ mình chết chắc. May mắn thay, có một sợi dây thép bên cây cột điện rơi xuống. Sợi dây đã thu hút con gấu. Tôi nhanh chóng chạy lại xe", Cổ Doanh kể.

​Trước đó vào năm 2015, cô đến Nam Cực để quay phim chim cánh cụt. Vào thời điểm đó, đoàn của cô bị mắc kẹt trong trận bão tuyết. Sau 8 ngày mắc kẹt, tất cả các nhiếp ảnh gia khác ngay lập tức rời đi, riêng Cổ Doanh ở lại vì muốn chụp chim cánh cụt sau trận bão.

"Tôi chụp ảnh một chú chim cánh cụt nhỏ bị thổi bay nhưng nó khát khao sống sót, luôn đập cánh, liếm bắp chân và cố gắng đứng dậy. Cuối cùng, nó vẫn không đứng dậy được. Sau vài phút, nó chết", cô nhớ lại.

Trước khi trở thành nhiếp ảnh gia động vật hoang dã, Cổ Doanh là một phi công dù lượn, từng 4 lần từng giành chức vô địch quốc gia. Nhưng sau một tai nạn, cô phải từ giã môn này. Hai năm sau, cô tìm được niềm đam mê mới.

"Tôi đi chụp về chim hoang dã quý hiếm. Khoảnh khắc trong ống kính con chim cất cánh, tôi nhận ra những giấc mơ và cảm xúc của mình đã bay trở lại.  Trong 5 qua, tôi đã đi đến 7 châu lục, 4 đại dương và chụp hơn 1.000 loài chim", cô nói. Có lần cô phải đeo balo 30 kg lên núi giữa đêm, trong khu rừng nguyên sinh của Nam Thái Bình Dương, suốt 21 ngày.

Cổ Doanh từng có duyên gặp gỡ nhà thám hiểm người Anh Henry Worsley, người từng một mình đi qua Nam Cực, nhưng anh đã chết khi cách đích chỉ còn 50 km. "Tôi đã chuẩn bị tinh thần nếu một ngày mất mạng vì chụp ảnh hoang dã. Bởi vì đây là thứ tôi yêu thích, tôi cảm thấy xứng đáng khi cho nó mọi thứ", Cổ Doanh nói.

Năm 2016, Cổ Doanh trở thành nhân vật văn hóa của Trung Quốc. Năm 2017, cô đã giành giải thưởng Nhiếp ảnh tự nhiên tiêu biểu nhất thế giới (Nature's Best Photography). Tác phẩm của cô đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia tại Washington (Mỹ), theo Sina.

Huyền Trang